Được sự chấp thuận của Chủ tịch UBND tỉnh, chiều ngày 08/01/2021, Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác tư pháp năm 2021 do đồng chí Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì Hội nghị. Hội nghị vinh dự có đồng chí Cao Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến tham dự và chỉ đạo.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí trong Ban Giám đốc Sở Tư pháp, tất cả công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở Tư pháp, đại diện lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, đại diện lãnh đạo Thường trực HĐND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đại diện lãnh đạo UBND và Trưởng Phòng Tư pháp các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa; đại diện Hội Công chứng viên tỉnh và các tổ chức hành nghề công chứng.
Hội nghị cũng được xem phóng sự về kết quả, thành tích đạt được của Ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai trong năm 2020, các ý kiến trao đổi, thảo luận của các đại biểu tham dự.
Năm 2020, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng bởi dịch Covid -19 và trong bối cảnh tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy cùng với nhiệm vụ được giao cho ngành Tư pháp ngày càng nhiều; tuy nhiên, với sự đoàn kết, nỗ lực, bứt phá, sáng tạo, công tác tư pháp tỉnh Đồng Nai được triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao, chủ động tham mưu, tư vấn pháp lý trong các vấn đề theo yêu cầu của UBND tỉnh, đóng góp trực tiếp vào việc hoàn thiện thể chế và các quy định liên quan đến ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự và cải cách hành chính của địa phương. Sở Tư pháp cũng đã được Bộ Tư pháp đánh giá hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, được nhận Cờ thi đua xuất sắc và xếp hạng thứ 6 trong cả nước theo tiêu chí thi đua, thang điểm đánh giá của Bộ Tư pháp.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ công tác tư pháp trong thời gian qua được giao thêm nhiều nhiệm vụ mới đặt ra khó khăn, thách thức như: Sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội đã làm cho các quy định pháp luật trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp (luật sư, công chứng, thừa phát lại, đấu giá, giám định tư pháp...) không theo kịp thực tiễn quản lý, một số quy định pháp luật còn chậm ban hành mới, chồng chéo, vướng mắc, chưa rõ ràng nên gây khó khăn nhất định trong công tác tổ chức thực hiện.
Hội nghị cũng được nghe ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Thị Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu đã thảo luận và thể hiện sự nhất trí cao với báo cáo kết quả năm 2020 và các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp công tác ngành Tư pháp năm 2021. Trong thời gian tới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và những tác động của đại dịch Covid-19 có thể kéo dài, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức lớn, đòi hỏi Ngành Tư pháp tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò, vị trí trong công tác tham mưu cấp ủy, UBND các cấp thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, góp phần trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cụ thể tập trung vào các nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ được xác định tại Hội nghị, nhất là nhiệm vụ năm 2021, định hướng nhiệm kỳ 2021-2025 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, bám sát các lĩnh vực, nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngành Tư pháp nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương.
Thứ hai, kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp cấp huyện; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thông qua việc đào tạo bồi dưỡng.
Thứ ba, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là đẩy mạnh công tác tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
Thứ tư, phát huy vai trò quan trọng của ngành Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương theo hướng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực và hiệu quả, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm; kiến nghị cơ chế, chính sách thu hút, quản lý và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ cho việc đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế, các loại thị trường, sản xuất công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương.
Thứ năm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, nhất là các dự án lớn về số hóa dữ liệu hộ tịch, nâng cấp phần mềm giao dịch đảm bảo. Đồng bộ cơ sở dữ liệu của ngành với các lĩnh vực khác nhằm góp phần xây dựng mô hình chính quyền điện tử phiên bản 2.0 tỉnh Đồng Nai.
Thứ sáu, tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bổ trợ tư pháp như: công chứng, luật sư, đấu giá, quản lý thanh lý tài sản, quản tài viên, giám định tư pháp.
Thứ bảy, phát huy vai trò quan trọng của Ngành Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật tại địa phương theo hướng đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực và hiệu quả, lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người dân là trung tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương./.
Sở Tư pháp tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tư pháp năm 2021
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai