Ngày 23/6/2022, Bộ Tư pháp có Văn bản số 2075/BTP-XDPBPL về việc triển khai thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” năm 2022. Theo đó hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Đề án trong năm 2022 với các nội dung sau:
1. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Đề án phù hợp với điều kiện thực tiễn; phát huy vai trò, trách nhiệm của Người đứng đầu, chủ động ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án hoặc lồng ghép trong kế hoạch công tác của cơ quan, đơn vị.
2. Rà soát, bố trí nguồn lực và các điều kiện bảo đảm, cần thiết khác để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án.
3. Để bảo đảm thống nhất trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án, cần xác định và phân công rõ trách nhiệm của Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm đầu mối tham mưu, hướng dẫn, tổng hợp, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Đề án;
Đơn vị, tổ chức tham mưu xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) có trách nhiệm chủ trì tổ chức truyền thông chính sách tác động lớn đến xã hội thuộc phạm vi Đề án.
4. Tập trung truyền thông một số chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2022, cụ thể là các chính sách trong các dự thảo Luật như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) chỉ đạo, lựa chọn các dự thảo chính sách thuộc phạm vi Đề án để tập trung truyền thông đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
5. Căn cứ điều kiện, tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp với đối tượng và địa bàn quy định.
Bộ Tư pháp đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, hướng dẫn của Bộ Tư pháp và yêu cầu thực tiễn địa phương, chủ trì tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, cán bộ các ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp, công chức pháp chế các sở, ban, ngành, phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý thông tin, báo chí ở địa phương về kiến thức, kỹ năng truyền thông, xử lý thông tin khi thực hiện truyền thông dự thảo chính sách và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức tập huấn cho báo cáo viên pháp luật cấp huyện và tuyên truyền viên pháp luật cấp xã thuộc phạm vi quản lý về kiến thức, kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách để thực hiện truyền thông chủ động, linh hoạt, hiệu quả.
Việc truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội là một nhiệm vụ cần thiết nhằm cung cấp đến người dân, các đối tượng chịu sự tác động của các chính sách từ khâu dự thảo chính sách để tạo được sự đồng thuận cũng như những ý kiến, góp ý của Nhân dân nhằm đảm bảo tính khả thi của các chính sách sau khi được ban hành. Qua đó, góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đây là một trong những Đề án quan trong trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022 – 2027./.
Đồng Hoa - Sở Tư pháp
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai