Tin tức - Sự kiện

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn những khó khăn, vướng mắc

Ngày 11/07/2022 - 18:55:08

 

Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục được các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc, nội dung bám sát chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, UBND tỉnh và Hội đồng PHPBGDPL tỉnh. Nội dung tuyên truyền, phổ biến có trọng tâm, trọng điểm, hình thức và biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật được lựa chọn phù hợp với địa bàn và đối tượng, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền đã được chú trọng và khẳng định hiệu quả. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai thực hiện công tác quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn gặp những khó khăn.

Thứ nhất, quy định về kinh phí phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật vẫn còn những khó khăn, vướng mắc

- Kinh phí phục vụ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh được bố trí, phân bổ về đầu mối tại Sở Tư pháp đã tạo nên áp lực nhiệm vụ cho Sở Tư pháp và hạn chế sự chủ động của các đơn vị trong các hoạt động.

- Mức chi kinh phí công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/01/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở còn quá thấp so với sự phát triển kinh tế - xã hội và giá cả các mặt hàng, dịch vụ hiện nay nên việc tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật còn gặp khó khăn.

- Nguồn kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp xã vẫn còn hạn chế do điều kiện về kinh phí của địa phương.

Thứ hai, tủ sách pháp luật điện tử quốc gia đến nay vẫn chưa được đưa vào vận hành, việc khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật vẫn còn khó khăn (ít tiện ích) nên cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân chưa có một địa chỉ chính thống để tìm kiếm, khai thác và sử dụng thông tin về các quy định pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật một cách hiệu quả.

Thứ ba, Chương trình khung bồi dưỡng nghiệp vụ đối với
báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật
đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành theo Quyết định số 3147/QĐ-BTP ngày 28/12/2018 nhưng đến nay Bộ tài liệu nguồn bồi dưỡng nghiệp vụ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật vẫn chưa được ban hành nên các địa phương gặp khó khăn trong việc thực hiện tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên theo Chương trình khung.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế và nhiệm vụ chuyên môn quá nhiều, chế độ đãi ngộ hiện nay còn thấp, nên chất lượng, hiệu quả công việc chưa cao.

Thứ năm, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật mạng xã hội như Facebook, Zalo, instagram đang ngày càng phổ biến và là một xu hướng tất yếu hiện nay nhưng quy định về nội dung chi, mức chi cho các hoạt động quảng cáo, quảng bá, xây dựng các video clip, xây dựng các inforgraphich để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên các nền tảng mạng trên chưa có quy định.

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên và nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong thời gian tới thì trước hết cần sửa đổi cac quy định pháp luật liên quan, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật./.

Lượt xem: 108

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     64,551