Tin tức - Sự kiện

Phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028

Ngày 21/09/2022 - 14:04:09

 

Với quan điểm: hiểu biết một cách đúng đắn về quyền con người cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền con người là điều kiện tiên quyết để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách hiệu quả. Thông tin, truyền thông về quyền con người phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, với hình thức đa dạng để mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền con người; đấu tranh, phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người; Công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài. Kết quả tuyên truyền về quyền con người là một trong những tiêu chí khách quan đánh giá hiệu quả công tác quyền con người của các cấp, các ngành. Công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người đạt kết quả tốt là điều kiện quyết định để công tác truyền thông về quyền con người đạt hiệu quả tốt. Truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả 3 nội dung chính: phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Trong đó, ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong nước và quốc tế về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Nhà nước ta.

Ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028.

Quyết định đã đưa ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2028 để thực hiện:.

100% cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về công tác quyền con người theo quy định hiện hành để thông tin về tình hình và kết quả công tác quyền con người kịp thời và tương xứng với các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của các cơ quan chức năng nói riêng và cả nước nói chung.

100% cán bộ làm công tác quyền con người, 100% cán bộ làm công tác quản lý thông tin, truyền thông, 100% nhân sự tham gia công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan báo chí, 70% cán bộ chủ chốt của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cập nhật thông tin tình hình công tác quyền con người ở Việt Nam, tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người.

Tổ chức chuỗi Triển lãm ảnh, tài liệu lưu trữ về quyền con người ở Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài tại 63 tỉnh, thành phố và một số địa bàn trọng điểm ở nước ngoài.

Biên soạn, xuất bản và tái bản 1.000 đầu sách về quyền con người; đa dạng hóa hình thức các sản phẩm truyền thông đại chúng, nâng tỉ trọng các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài và sản phẩm truyền thông trên nền tảng số chiếm từ 15% đến 20% tổng số sản phẩm truyền thông về quyền con người.

100% nguồn dữ liệu và sản phẩm truyền thông của Đề án được số hóa, kết nối, sử dụng chung và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn. Giảm thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng xuống còn dưới 10% tổng số thông tin về quyền con người ở Việt Nam; phát hiện, xử lý 90% tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng.

Về đối ngoại: hoàn thành việc thực hiện khuyến nghị của quốc tế về tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về quyền con người đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, bao gồm khuyến nghị số 63, 67, 86 theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chu kỳ II.

Theo đó, nội dung truyền thông trong Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam bao gồm: Luật pháp quốc tế về quyền con người, đặc biệt quan tâm đến 07 công ước cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người; kết quả luật hóa và triển khai thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người; tình hình, nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực, trong đó có công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống người dân, các đối tượng yếu thế…; các vụ việc, đối tượng trong nước và nước ngoài, hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, quyền con người để vi phạm pháp luật, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, anh ninh quốc gia…; các ưu tiên trong đối ngoại về quyền con người của Việt Nam, về vị trí, vai trò của Việt Nam trong các nỗ lực bảo đảm quyền con người ở cấp độ khu vực và quốc tế.

Đồng thời, Quyết định cũng đưa ra 06 giải pháp và nhiệm vụ để thực hiện đề án là:Hoàn thiện cơ chế, hệ thống văn bản hướng dẫn quản lý Đề án; Tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người cho các lực lượng truyền thông; Sản xuất, đăng phát các sản phẩm truyền thông về quyền con người bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài; Hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại về quyền con người; Tổ chức các giải thưởng truyền thông về quyền con người; Thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động truyền thông về quyền con người.

Theo Quyết định, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện Đề án ở địa phương; chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng trên địa bàn, căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, triển khai thực hiện công tác truyền thông phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế tại địa phương; cân đối và bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Quyết định 1079/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày ký ban hành.

Trường Chỉnh - Sở TT & TT

 

 

Lượt xem: 76

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     49,020