Ngày 31/3/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 12/2023/QĐ-UBND ban hành Quy chế về quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Quyết định số 12) thay thế Quyết định số 73/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về quản lý các hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và việc sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (gọi tắt là Quyết định số 73). Theo đó, kể từ ngày 14/4/2023, việc quản lý và sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài dành cho Việt Nam trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có một số điểm mới sau:
1. Bổ sung thêm các trường hợp là Bên cung cấp viện trợ: theo Quyết định số 73 bên cung cấp viện trợ là các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tổ chức phi lợi nhuận, các quỹ xã hội, quỹ tư nhân hoặc các hình thức tổ chức xã hội phi lợi nhuận khác được thành lập theo luật pháp nước ngoài; các tổ chức và cá nhân người nước ngoài khác; kể cả các tập đoàn, công ty có vốn nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Quyết định số 12 bổ sung thêm một số trường hợp là Bên cung cấp viện trợ sau:
- Các tổ chức nghiên cứu và đào tạo được thành lập theo luật pháp nước ngoài (bao gồm cả các viện nghiên cứu, tổ chức hợp tác thuộc chính phủ nước ngoài).
- Các bộ, cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam trực tiếp cung cấp khoản viện trợ, hoặc ủy quyền cho các tổ chức pháp nhân nước ngoài quản lý các khoản viện trợ mà việc tiếp nhận và thực hiện khoản viện trợ không yêu cầu phải ký kết chính thức theo quy định của Luật Điều ước quốc tế hoặc không yêu cầu bên Việt Nam ký kết nhân danh Nhà nước hoặc Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Quy định cụ thể Bên tiếp nhận viện trợ là các cơ quan, tổ chức trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có chức năng, nhiệm vụ và hoạt động phù hợp với mục tiêu và nội dung của các khoản viện trợ tiếp nhận gồm:
- Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động.
- Các tổ chức chính trị - xã hội, chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ và quỹ xã hội, quỹ từ thiện do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập.
- Doanh nghiệp xã hội đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh tiếp nhận viện trợ để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường.
- Các đối tượng khác theo quy định của pháp luật.
3. Bổ sung nguyên tắc quản lý, sử dụng khoản viện trợ: Sau 06 tháng kể từ ngày khoản viện trợ được phê duyệt, trường hợp khoản viện trợ vẫn chưa triển khai mà không có lý do chính đáng, cấp có thẩm quyền phê duyệt được thu hồi quyết định phê duyệt tiếp nhận khoản viện trợ đã ban hành. Cơ quan chủ quản có trách nhiệm thông báo cho Bên cung cấp viện trợ về việc thu hồi quyết định phê duyệt khoản viện trợ.
4. Thay đổi quy trình đàm phán, ký kết khoản viện trợ: theo Quyết định 73, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi kết thúc đàm phán, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh có văn bản báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Ngoại vụ kết quả đàm phán và xin chủ trương ký kết thỏa thuận viện trợ (nếu đàm phán thành công).Việc ký kết văn kiện chương trình, dự án hoặc thỏa thuận tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài chỉ được tiến hành sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý. Thì nay, Quyết định số 12 bỏ bước xin chủ trương ký kết thỏa thuận viện trợ của Ủy ban nhân dân tỉnh. Sau khi kết thúc đàm phán các khoản viện trợ, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn Chủ khoản viện trợ, bên cung cấp viện trợ về nội dung, hình thức, trình tự để lập văn kiện chương trình, dự án, phi dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài. Chủ khoản viện trợ gửi hồ sơ đề nghị phê duyệt chương trình dự án, phi dự án cho Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định theo quy định.Việc điều chỉnh này nhằm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục tiếp nhận khoản viện trợ, nhằm tranh thủ và thu hút nguồn viện trợ trên tỉnh Đồng Nai.
5. Rút ngắn thời hạn thẩm định khoản viện trợ: theo Quyết định số 73, tổng thời gian từ lúc thẩm định đến thông báo kết quả phê duyệt khoản viện trợ trong thời gian 40 ngày. Quyết định số 12 đã rút ngắn xuống còn 19 ngày, trong đó: thời gian lấy ý kiến các đơn vị là 06 ngày, thời gian tổng hợp ý kiến trình UBND tỉnh là 03 ngày, thời gian UBND tỉnh xem xét, phê duyệt 05 ngày, thời gian thông báo kết quả phê duyệt khoản viện trợ là 05 ngày.
6. Bổ sung quy định về tổ chức quản lý chương trình, dự án: Căn cứ quy mô, tính chất, điều kiện cụ thể thực hiện chương trình, dự án, năng lực tổ chức quản lý chương trình, dự án, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định áp dụng một trong các hình thức tổ chức quản lý chương trình, dự án sau: Một, sử dụng bộ máy chuyên môn trực thuộc có đủ điều kiện, năng lực quản lý và thực hiện dự án đối với dự án quy mô dưới 200.000 USD (hai trăm nghìn đô la Mỹ). Hai, sử dụng Ban quản lý đang hoạt động để quản lý chương trình, dự án mới. Ba, thành lập Ban quản lý riêng cho từng chương trình, dự án.
7. Bổ sung quy định về quản lý tài chính viện trợ nhằm đảm bảo việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đúng mục đích như quy định: Nguyên tắc quản lý tài chính đối với vốn viện trợ; việc mở tài khoản cho chương trình, dự án sử dụng vốn viện trợ; Lập kế hoạch tài chính vốn viện trợ không hoàn lại thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước; Kiểm soát chi, giải ngân, hạch toán và ghi thu ghi chi vốn viện trợ không hoàn lại bằng tiền; Vốn đối ứng; Tiếp nhận vốn viện trợ bằng hàng hóa và dịch vụ; Thuế, kiểm toán các khoản viện trợ.
8. Bổ sung thêm trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý và việc sử dụng viện trợ như: Sở Ngoại vụ: phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xác minh thông tin Bên cung cấp viện trợ trong trường hợp bên cung cấp viện trợ là các cơ quan, tổ chức thuộc chính phủ nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao của các nước tại Việt Nam. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh: hướng dẫn Chủ khoản viện trợ về nội dung, hình thức, trình tự, thủ tục ký kết, hồ sơ thẩm định phê duyệt khoản viện trợ. Kho bạc nhà nước tỉnh: phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn các cơ quan, tổ chức về quản lý tài chính đối với các khoản viện trợ theo quy định; Thực hiện công tác quản lý nhà nước theo thẩm quyền đối với các hoạt động kiểm soát chi, giải ngân, hạch toán và ghi thu ghi chi đối với các khoản viện trợ theo quy định.
9. Quy định rõ trách nhiệm của Chủ khoản viện trợ:
- Tổ chức bộ máy quản lý và thực hiện chương trình, dự án trên cơ sở quyết định của cơ quan chủ quản: Xây dựng kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính hằng năm trình cấp thẩm quyền phê duyệt; xây dựng dự toán thu chi ngân sách nhà nước hàng năm đối với các khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thực hiện công tác đấu thầu theo quy định của pháp luật hiện hành về đấu thầu. Giám sát việc thực hiện các hợp đồng và xử lý vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền. Thực hiện giám sát và đánh giá chương trình, dự án.
- Chịu trách nhiệm hạch toán, quyết toán, báo cáo đầy đủ các nguồn vốn, tài sản tiếp nhận và sử dụng.
- Báo cáo tình hình tiếp nhận viện trợ, tình hình thực hiện, giải ngân khoản viện trợ 06 tháng và hàng năm cho cơ quan chủ quản. Báo cáo kết thúc khoản viện trợ phải gửi cơ quan chủ quản chậm nhất không quá 06 tháng sau khi kết thúc thực hiện.
- Chịu trách nhiệm về thất thoát, lãng phí, tham nhũng và sai phạm thuộc thẩm quyền trong công tác tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án, phi dự án gây thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường, ảnh hưởng đến mục tiêu và hiệu quả chung của chương trình, dự án.
- Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Hoài Thu- Sở Ngoại vụ tỉnh Đồng Nai
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai