Tin tức - Sự kiện

Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần thực hiện bằng các hoạt động cụ thể

Ngày 05/03/2024 - 06:25:03

Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những nội dung được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và đưuọc Đảng ta tiếp tục chỉ đạo, định hướng trongKết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.

Năm 2023 cùng với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được những kết quả tích cực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các hoạt động thu hút được sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp. Theo đó, kinh phí thu hút được từ các nguồn hỗ trợ khác cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tăng gấp đôi so với năm 2022 với 1.451.585.550 đồng (năm 2022 là 714.468.000 đồng).

Thực hiện Kế hoạch số 301/KH-UBND ngày 29/12/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024;

Để phát huy những kết quả đạt được trong năm 2023, tăng cường hơn nữa xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở; thực hiện chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024; Sở Tư pháp - cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện một số nội dung sau:

1. Có Văn bản đề nghị các doanh nghiệp thuộc thẩm quyền quản lý (nếu có) tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người lao động thuộc doanh nghiệp đồng thời phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các hình thức phù hợp; tăng cường đóng góp nguồn lực (kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất…) cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về ngành, lĩnh vực, địa bàn được giao quản lý thông qua các hoạt động tài trợ (có thể bằng các sản phẩm của doanh nghiệp) cho các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các cuộc phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật; chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân ở cơ sở; các đối tượng đặc thù, vùng sâu, vùng xa.

3. Đoàn Luật sư tỉnh, Hội Luật gia tỉnh vận động luật sư, luật gia tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở; các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân và các đối tượng yếu thế, phát huy vai trò xã hội của đội ngũ luật sư, luật gia trên địa bàn tỉnh.

4. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có Văn bản chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở với những hình thức phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

5. Các trường học tăng cường các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên bằng hình thức phù hợp, thu hút sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp.

Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần được thực hiện bằng những hoạt động cụ thể trong đó các cơ quan nhà nước đóng vai trò chủ trì tổ chức để thu hút sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp./.

Đồng Hoa - Sở Tư pháp

Lượt xem: 72

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     71,371