Luật Trẻ em năm 2016 quy định: Tháng hành động vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hằng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan để chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện Tháng hành động vì trẻ em.
Theo đó, hằng năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung và hoạt động Tháng hành động vì trẻ em.
Vừa qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn nội dung và hoạt động Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với các nội dung cụ thể như sau:
- Chủ đề: “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”.
- Mục đích, yêu cầu:
+ Truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về triển khai thực hiện Chỉ thị 28-CT/TW về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tập trung nội dung chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em.
+ Vận động xã hội thực hiện phong trào "Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em", hỗ trợ mỗi xã có một công trình dành cho trẻ em được xây dựng hoặc nâng cấp; mỗi đoàn viên, hội viên của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội có một hành động thiết thực vì trẻ em.
- Thời gian: từ ngày 01/6 đến ngày 30/6/2024.
- Thông điệp, khẩu hiệu truyền thông:
+ Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em
+ Ưu tiên nguồn lực cho trẻ em để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
+ Bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách đối với trẻ em
+ Bảo đảm quyền trẻ em phải là trung tâm của chính sách, chiến lược phát triển đất nước
+ Toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
+ Tăng cường chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em vì sự phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc
+ Tổng đài 111 - tiếp nhận thông tin mọi lúc, bảo vệ trẻ em mọi nơi
+ Phòng ngừa và chấm dứt lao động trẻ em vì sự phát triển bền vững
+ Chăm sóc sức khỏe tâm thần để trẻ em phát triển toàn diện
+ Phòng, chống tai nạn, thương tích để bảo đảm quyền được sống của trẻ em
+ Gia đình, cộng đồng giám sát, trông giữ trẻ em để phòng, chống đuối nước
+ Lắng nghe trẻ em để chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em./.
Đồng Hoa - Sở Tư pháp
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai