Hoạt động của các thành viên Hội đồng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn t

Bảo vệ sức khỏe người dân trước các dịch bệnh

Ngày 31/08/2022 - 08:39:47

 

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều ca mắc sốt xuất huyết (SXH), COVID-19, cúm, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng của người dân. Để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe cho người dân trước 3 dịch bệnh này, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần tích cực chủ động thực hiện các biện pháp ngành y tế khuyến cáo và tiêm vắc xin để hạn chế ca mắc và tử vong.

Tiêm vắc xin phòng ngừa COVID-19 và cúm mùa

            Theo BS.CKI Phan Văn Phúc, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 2 nhóm bệnh COVID-19 và cúm tương đối khác nhau, tuy nhiên có điểm chung ảnh hưởng trên đường hô hấp. Đối với những người có hệ miễn dịch yếu như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai… có nguy cơ mắc cao hơn.

            Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên rất phổ biến, khi mắc cúm người bệnh có các biểu hiện như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi… Hàng năm, Đồng Nai vẫn ghi nhận rất nhiều trường hợp cúm mùa nặng. Do đó để phòng cúm người dân cần hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm; chủ động đeo khẩu trang; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối; giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất, tăng cường vận động để nâng cao thể trạng.

Biện pháp quan trọng nhất để phòng cúm là duy trì tiêm vắc xin cúm hàng năm, bởi sau một năm hệ miễn dịch sẽ giảm xuống và không thể ghi nhớ tác nhân để kháng thể lại nên có thể mắc trở lại. Khi một người đã tiêm vắc xin cúm, nếu có mắc sẽ bị nhẹ hơn so với những người chưa được tiêm vắc xin. Chính vì vậy, tiêm vắc xin cúm hàng năm là rất cần thiết, không chỉ phòng bệnh cúm, còn phòng các bệnh khác liên quan đến đường hô hấp.

Còn đối với dịch COVID-19, hiện nay tỉnh Đồng Nai có tất cả các túyp vi rút trên thế giới đang có như Dellta, Omicon, B.A5…, hiện bệnh đang có xung hướng tăng trở lại, trong những ngày gần đây đã ghi nhận nhiều ca bệnh nặng phải thở máy. Cụ thể, có 33 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch đang phải thở oxy không xâm lấn, 2 ca thở máy xâm lấn và 2 ca thở oxy dòng cao.

BS Phúc cho hay, hiện nay có nhiều ca bệnh nặng, đáng chú ý là họ đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 khá lâu mà không tiêm mũi nhắc lại, kèm theo đó có bệnh nền. “Biện pháp quan trọng nhất hiện nay vẫn là tiêm vắc xin. Phải khẳng định lại rằng vắc xin COVID-19 đã từng cứu sống biết bao nhiêu người dân Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung trong những ngày đầu xuất hiện dịch” – BS Phúc chia sẻ.

Người dân cần tích cực chủ động phòng sốt xuất huyết

            Đã từng bị SXH nặng phải nhập viện điều trị, nên chị Phạm Thị Sao Mai, ở khu phố 11A, phường Tân Phong, TP. Biên Hòa luôn chủ động trong việc dọn dẹp, vệ sinh môi trường xung quanh nhà để phòng chống SXH. Theo chị Mai, hiện nay dịch đang tăng cao và ghi nhận nhiều ca tử vong, chị Mai rất lo lắng cho bản thân cũng như gia đình. “Để phòng bệnh này thì mỗi người dân và gia đình phải ý thức, tích cực chủ động dọn rác thải, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi chứ không trông chờ vào ngành y tế”, chị Mai nói.

Người dân cần chủ động vệ sinh môi trường, rác thải phòng bệnh SXH. Trong ảnh, người dân khu phố 5, phường Hố Nai, TP. Biên Hòa tổng vệ sinh môi trường phòng bệnh SXH

Theo BS Phúc, hiện dịch SXH đang tăng cao và báo động, đến nay trên toàn tỉnh ghi nhận hơn 18 ngàn ca mắc, 16 ca tử vong. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, nếu nhiều người mắc gây ra dịch cùng lúc khiến cho công tác dập dịch và điều trị gặp không ít khó khăn. Vì vậy, để ngăn chặn ca mắc và tử vong thì mỗi người dân cần nâng cao kiến thức, thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành y tế.

Người dân ở khu phố 11A, phường Tân Phong, TP. Biên Hòa lập úp các gáo dừa không cho lăng quăng sinh sống để phòng bệnh SXH

“Người dân cần bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách tự dọn dẹp vệ sinh, rác thải xung quanh nhà, không để các vật dụng chứa nước có lăng quăng thnahf muỗi truyền bệnh, ngủ màn cả ban ngày và ban đêm để không để muỗi đốt. Người dân không cần chờ đợi khi có chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống dịch SXH mới thực hiện. Chỉ khi mật độ muỗi lớn thì báo ngay cho ngành y tế, địa phương để có thể huy động các ban, ngàn phun hoát chất, tổng vệ sinh…”, BS Phúc nói.

Minh Quân - Sở Y tế

Lượt xem: 11

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     6,753