Thực hiện Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025”. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3465/KH-UBND ngày 10/4/2018 về triển khai thực hiện Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 – 2025” trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Qua đó xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình thực hiện bình đẳng giới trong từng giai đoạn cụ thể đồng thời chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ bình đẳng giới trong các lĩnh vực lao động, việc làm, bảo trợ xã hội, gắn với đào tạo nghề cho lao động nông thôn, thực hiện giảm nghèo bền vững, thực hiện tiêu chí nông thôn mới; tuyên truyền bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Công tác tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở giai đoạn 2018 – 2025 được triển khai đồng bộ, có hiệu quả góp phần động viên người dân quan tâm hơn đến việc xây dựng gia đình, nâng cao vai trò và vị thế của người phụ nữ trong gia đình và xã hội, cụ thể:
Giai đoạn 2018 – 2024: Ban Dân tộc (nay là Sở Dân tộc và Tôn giáo) đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố Long Khánh và UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho hơn 11.783 lượt người đồng bào dân tộc thiểu số tại 95 điểm trên địa bàn các xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thành phố Long Khánh. Nội dung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước liên quan đến bình đẳng giới, Luật hôn nhân và gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật trẻ em, lồng ghép các nội dung về vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm 2025, Sở Dân tộc và Tôn giáo tổ chức 04 Hội nghị tuyên truyền phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho đối tượng học sinh dân tộc thiểu số tại các Trường Phổ thông Dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh và người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số với số lượng hơn 1.000 đại biểu tham dự. Nội dung chuyên đề theo kế hoạch tập trung: Tuyên truyền về kỹ năng sống về giới và bình đẳng giới. Tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển trong môi trường gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội đối với các em là học sinh tại các trường Phổ thông Dân tộc nội trú; Tập huấn kiến thức, nâng cao kỹ năng tuyên truyền về bình đẳng giới, các văn bản hướng dẫn liên quan đến bình đẳng giới đối với đại biểu là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới tại các trường đã cung cấp cho các em học sinh rất nhiều kiến thức bổ ích về bình đẳng giới, giúp học sinh hiểu biết được bình đẳng giới là sự công bằng trong cách đối xử giữa nam và nữ, có vai trò ngang nhau; được tạo điều kiện, cơ hội học tập rèn luyện và phát triển năng lực như nhau; có quyền như nhau trong thụ hưởng những thành quả kinh tế, văn hóa, xã hội; có trách nhiệm và quyền lợi như nhau…. nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của bình đẳng giới đối với sự phát triển gia đình, cộng đồng xã hội; nâng cao nhận thức của các em học sinh về các chính sách an sinh xã hội, về giới, bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ, phòng ngừa bạo lực, xâm hại cho phụ nữ và trẻ em. Góp phần giảm thiểu và tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực, xâm hại đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các vụ bạo lực diễn ra trong môi trường gia đình, nhà trường. Công tác tập huấn đã cung cấp thêm những kiến thức cần thiết cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số về giới và bình đẳng giới để vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thái độ thực hiện các vấn đề liến quan đến bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả công tác bình đẳng giới tại cơ sở.
Sở Nội vụ tổ chức tuyên truyền qua phát thanh, truyền hình và trực quan: Xây dựng 03 clip phóng sự tuyên truyền bình đẳng giới trên đài phát thanh - truyền hình (năm 2023); tuyên truyền qua 02 màn hình LED tại địa điểm công cộng (năm 2024). Tổ chức sự kiện, lễ phát động: Tổ chức Lễ phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới” hàng năm với sự tham gia của hàng trăm đại biểu…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên triển khai các đề tài nghiên cứu về văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; việc bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số đều thông qua phương pháp truyền miệng trong gia đình, cộng đồng. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách, cụ thể như: xây dựng kế hoạch tổ chức lớp dạy tiếng nói, chữ viết cho đồng bào dân tộc Chăm, Khmer; phát sóng chương trình “Truyền hình dân tộc - tiếng Hoa” và “Bản tin tiếng Hoa”; Chương trình “Truyền hình dân tộc – tiếng Chơro” trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Đồng Nai.
Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND huyện Long Thành, các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật, tặng quà cho đồng bào dân tộc Chơ ro tại xã Phước Bình, huyện Long Thành với hơn 550 lượt người tham dự. Báo cáo viên đã tập trung các quy định pháp luật cụ thể liên quan trực tiếp đến các mối quan hệ hằng ngày trong cuộc sống của đồng bào, các hành vi vi phạm về phòng, chống bạo lực gia đình có thể xảy ra, các quy tắc giao thông cơ bản để bà con dễ tiếp cận và nắm bắt các thông tin; Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn Luật sư tỉnh và huyện Định Quán tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật, tặng quà cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã Túc Trưng, Phú Cường, Phú Túc của huyện Định Quán với gần 200 lượt người tham dự. Các hoạt động đã nhận được sự quan tâm, tham gia nhiệt tình của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, đã giúp bà con hiểu hơn các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới nhằm hạn chế các hành vi vi phạm; hiểu rõ các quy tắc giao thông để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cũng như các quy định liên quan đến đời sống, quyền và nghĩa vụ của công dân. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật thì các hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và trao quà đã giúp cho người dân và chính quyền địa phương gần gũi với nhau hơn, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền địa phương.
Công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới được thực hiện theo các quy định của pháp luật về bình đẳng giới và đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã có sự tham gia của cả phụ nữ và nam giới. Với các kết quả đạt được, trong giai đoạn tiếp theo nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, các cấp, các ngành đoàn thể tỉnh tiếp tục tăng cường trách nhiệm trong việc nâng cao nhận thức, triển khai thực hiện và hoàn thiện thể chế về bình đẳng giới./.
Hồ Thị Tuyết Nhung – Sở Dân tộc và Tôn giáo
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai