Gương sáng Pháp luật Đồng Nai

Quan tâm nâng cao kiến thức pháp luật cho hội viên phụ nữ

 

Những năm qua, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh Lê Thị Thái đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) trong hội viên, phụ nữ và kết quả mang lại nhiều chuyển biến tích cực. Bà đã được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đề cử là cá nhân điển hình, tiêu biểu cho Chương trình Gương sáng pháp luật Đồng Nai năm 2024.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Lê Thị Thái (bìa trái) trò chuyện với hội viên, phụ nữ dân tộc tại huyện Định Quán. Ảnh: A.Nhơn

Triển khai nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả

Năm 2014, bà Thái được bầu làm Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh và đến tháng 12-2020 được bầu làm Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho đến nay. Với vai trò là người đứng đầu cơ quan, bà đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động liên quan đến công tác tư pháp của hội. Đặc biệt, bà luôn quan tâm đến việc đổi mới cả về hình thức lẫn nội dung tuyên truyền pháp luật phù hợp với tình hình thực tiễn ở địa phương.

Thực hiện theo kế hoạch phối hợp hàng năm, Hội LHPN tỉnh cùng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh và Công an tỉnh tổ chức các chương trình PBGDPL cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh. Bắt đầu từ năm 2023, Hội LHPN tỉnh đã đổi mới phương thức PBGDPL bằng việc tổ chức tuyên truyền bằng phiên tòa giả định (sân khấu hóa). Nội dung kịch bản của phiên tòa giả định được “mượn” từ các tình tiết của vụ án có thật và dựng lại theo đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự. Tuy nhiên, vụ án đã được ban tổ chức thay đổi một số chi tiết cho phù hợp với công tác tuyên truyền.

Bà Thái cho biết: “Đến nay, hội đã phối hợp tổ chức hiệu quả 4 phiên tòa giả định tuyên truyền, PBGDPL tại các huyện: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc và 2 thành phố: Long Khánh, Biên Hòa với gần 1 ngàn hội viên, phụ nữ tham dự. Hình thức tuyên truyền này mang lại hiệu quả cao. Vì vậy, hội sẽ tiếp tục duy trì những năm tiếp theo và sẽ lựa chọn chủ đề phù hợp với từng địa phương”.

Vừa qua, đoàn kiểm tra của Hội đồng Phối hợp PBGDPL tỉnh đã kiểm tra công tác PBGDPL tại Hội LHPN tỉnh. Đoàn đánh giá cao lãnh đạo Hội LHPN tỉnh đã có nhiều quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PBGDPL với đa dạng các hoạt động. Để tiếp tục nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến pháp luật hướng đến phụ nữ và trẻ em, đoàn đề nghị hội phát huy những kết quả đạt được, đặc biệt là duy trì và nhân rộng các mô hình hiệu quả hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh) cho biết, bà có tham dự phiên tòa giả định về chuyên đề phòng chống bạo lực gia đình do Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức. Phiên tòa giả định là những tình tiết vụ việc xảy ra ngoài đời thường đã được sân khấu hóa thành câu chuyện giúp bà dễ hiểu và nhớ lâu hơn những kiến thức pháp luật.

Ngoài ra, bà Thái còn quan tâm chỉ đạo thành lập các mô hình PBGDPL tại cơ sở nhằm đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về những nội dung gần gũi, thiết thực với người dân. Một trong những mô hình hoạt động hiệu quả khoảng 10 năm nay là “Tổ phụ nữ dân tộc không có người thân vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” của Hội LHPN phường Bảo Vinh (thành phố Long Khánh).

Đến nay, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã thành lập, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của nhiều mô hình PBGDPL, như: 25 tổ tư vấn pháp luật với 376 thành viên; 71 câu lạc bộ phụ nữ pháp luật với hơn 2 ngàn thành viên; 426 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng với hơn 2.570 thành viên; 112 câu lạc bộ, tổ phụ nữ phòng, chống bạo lực gia đình với 1.398 thành viên; 13 câu lạc bộ phòng, chống ma túy và phòng, chống tội phạm với 397 thành viên… Các mô hình đã góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về pháp luật, tạo ra môi trường sinh hoạt lành mạnh, bổ ích và thiết thực cho hội viên phụ nữ.

Bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ

Thời gian qua, bà Thái đã quan tâm chỉ đạo việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL với nhiều hình thức phong phú nhằm giúp các đối tượng tuyên truyền được tiếp cận các thông tin pháp luật nhanh và hiệu quả hơn. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội thi trực tuyến Tìm hiểu nghị quyết đại hội Đảng các cấp và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, thu hút 2 ngàn lượt cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân tham gia; tổ chức Hội thi trực tuyến Phụ nữ với pháp luật năm 2022 thu hút gần 12 ngàn lượt người tham gia; tổ chức Cuộc thi trực tuyến Phụ nữ nâng cao kiến thức và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ năm 2023 thu hút hơn 14 ngàn lượt dự thi.

Những năm gần đây, bà Thái đã chỉ đạo các cấp hội nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, hội viên, phụ nữ ở cơ sở và đề xuất người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tổ chức hơn 500 cuộc đối thoại. Qua đó giúp hội viên, phụ nữ hiểu và thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời giúp cấp ủy, chính quyền nắm bắt và giải quyết kịp thời các kiến nghị chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong triển khai các chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình, dự án ở địa phương.

Ngoài ra, bà Thái còn chỉ đạo cấp hội ở cơ sở cử thành viên tham gia các tổ hòa giải ở cơ sở; xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới trong các cấp hội; thực hiện tư vấn pháp luật, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ…

Nguồn: Báo Đồng Nai

Lượt xem: 28

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     119