Tin tức - Sự kiện

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng và động lực phát triển

Ngày 29/06/2022 - 13:38:43

 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Kế hoạch 155-KH/TU ngày 11/11/2013 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, tạo tiền đề và “điểm tựa” để bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Từng bước nâng cao trình độ KH&CN

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho biết, những năm qua, trình độ KH&CN của tỉnh được nâng cao, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong các ngành, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn. Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được các ngành, địa phương và người sản xuất quan tâm thực hiện. Các đề tài, dự án nghiên cứu được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ.

Kết quả đã tổ chức triểnkhai 06 dự án cấp Bộ thuộc Chương trình phát triển nông thôn miền núi. Đặt hàng và ký kết hợp đồng nghiên cứu khoa học, chuyển giao, ứng dụng công nghệ 139 đề tài, dự án cấp tỉnh, 148 đề tài, dự án cấp cơ sở. Những tiến bộ về khoa học kỹ thuật được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực, ngành nghề, nhất là trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đã góp phần nâng cao tổng giá trị sản xuất công nghiệp. Năm 2015, giá trị sản xuất nhóm ngành côngnghệ cao chỉ chiếm tỷ trọng 1% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Đến năm 2020, giá trị sản xuất của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đạt 3,23% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tỷ lệ các doanh nghiệp áp dụng các quy trình quản lý chất lượng và công cụ năng suất trong giai đoạn 2016-2020 đạt 84,9%, góp phần giảm chi phí không mong muốn trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao số lượng và chất lượng của sản phẩm.

Bên cạnh đó, công tác nâng cao ý thức bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với thương hiệu của doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập được quan tâm thựchiện. Từ 2011-2021 có 30 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng và được bảo hộ trong nước. Hơn 360 doanh nghiệp được hỗ trợ thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, kiểu sáng công nghiệp, sáng chế/giải pháp hữu ích. Trong đó 100 sản phẩm OCOP đã được hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. 02 sản phẩm Nấm mèo Long Khánh, Tôm càng xanh Trà Cổ Tân Phú được đăng ký nhãn hiệu tập thể; 02 đặc sản là Chôm chôm Long Khánh và bưởi Tân Triều được cấp nhận chỉ dẫn địa lý.

Hoạt động KH&CN của tỉnh được đổi mới về cơ chế quản lý, đã huy động được nhiều nguồn lực từ các ngành, các cấp và thu hút nguồn nhân lực KH&CN ngoài tỉnh tham gia thực hiện theo các chương trình mục tiêu KH&CN đề ra. Giai đoạn 2011- 2022, kinh phí UBND tỉnh đầu tư cho phát triển KH&CN là hơn 854,3 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 587,6 tỷ đồng. Các huyện, thành phố cũng cân đối bố trí hơn 25,3 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để thực hiện các nhiệm vụ, dự án KH&CN.

Khen thưởng cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Kế hoạch 155-KH/TU

Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính để phát triển

Thời gian tới, ngành KH&CN tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó tập trung vào các giải pháp phục vụ nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực đột phá; các giải pháp nâng cao tiềm lực KH&CN; nâng cao nguồn nhân lực KH&CN; đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN; các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả hệ thống đổi mới sáng tạo.

Theo Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Hồng Trang, cần nâng cao nhận thức về yêu cầu phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào KH&CN và đổi mới sáng tạo. Đồng thời tăng cường nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo nhất là từ doanh nghiệp. Tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về KH&CN và đổi mới sáng tạo, trong đó chú trọng đến việc xây dựng thể chế vượt trội và chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thanh Tú cho rằng, nguồn nhân lực KH&CN là yếu tố then chốt cho sự phát triển KH&CN nói riêng và kinh tế, xã hội của tỉnh nói chung. Do đó, bên cạnh việc đào tạo nguồn nhân lực cần quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo.

Ông Huỳnh Minh Hậu, Phó giám đốc Sở KH&CN cho rằng, việc cải tiến năng suất của doanh nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo sẽ góp phần tăng trưởng GDP của địa phương. Hy vọng các mô hình về năng suất chất lượng kiểu mẫu sẽ được hình thành trong giai đoạn 2021-2030 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, áp dụng và cải tiến thành công quy trình sản xuất. Các hệ thống/công cụ quản lý tiên tiến được xem như năng lực bền vững của doanh nghiệp và hiệu suất lao động quyết định việc phát triển, thành tựu của mỗi doanh nghiệp. Do đó các chính sách hỗ trợ về KH&CN của tỉnh Đồng Nai giai đoạn tới gắn liền với vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất và chuyển giao công nghệ nhất là đối vớ các nhóm sản phẩm đặc thù, chủ lực của tỉnh.

Theo Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn, để KH&CN thật sự trở thành động lực cho sự phát triển nhanh và bền vững, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần đẩy mạnh phối hợp các ngành, các cấp trong tỉnh triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KH&CN. Đổi mới tư duy, nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo hệ thống chính trị về KH&CN và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về vai trò của KH&CN. Đồng thời xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ về tài chính, đầu tư có hiệu quả các nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN và đổi mới sáng tạo. Xây dựng cơ chế chính sách thu hút đội ngũ trí thức KH&CN, nhất là đội ngũ trí thức trẻ. Xây dựng và triển khai Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập trong lĩnh vực KH&CN và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất, đời sống./.

Thanh Cảnh – Hương Sen (Sở KH&CN)

 

Lượt xem: 77

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     70,538