Tin tức - Sự kiện

Quy định của pháp luật về thương lượng bồi thường trong việc giải quyết yêu cầu bồi thường

Ngày 18/07/2022 - 18:28:08

 

 

Việc ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 (Luật TNBTCNN năm 2017) có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi đây là một bước hoàn thiện về mặt thể chế điều chỉnh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, đồng thời, thể hiện rõ trách nhiệm của Nhà nước đối với việc củng cố, hoàn thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, nền công vụ cũng như trách nhiệm của Nhà nước trước công dân, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, công chức trong thực thi công vụ và chất lượng hoạt động của bộ máy nhà nước.

Quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 được quy định cụ thể, chặt chẽ hơn. Trong đó, việc thương lượng là một bước bắt buộc và có ý nghĩa hết sức quan trọng trong  quy trình giải quyết yêu cầu bồi thường.

Sau khi hoàn thành việc xác minh thiệt hại, trình tự tiếp theo trong quá trình giải quyết bồi thường là phải tiến hành thương lượng với người yêu cầu bồi thường để thống nhất thiệt hại, mức thiệt hại và các nội dung liên quan. Việc thương lượng bồi thường sẽ phải tuân thủ các quy định thời gian, nguyên tắc, thành phần, địa điểm, nội dung, trình tự thương lượng, theo quy định tại Điều 46 Luật TNBTCNN năm 2017 như sau:

* Thời hạn thực hiện việc thương lượng bồi thường:

 Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành báo cáo xác minh thiệt hại cơ quan giải quyết bồi thường phải tiến hành thương lượng việc bồi thường. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tiến hành thương lượng, việc thương lượng phải được hoàn thành. Trường hợp vụ việc giải quyết yêu cầu bồi thường có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn thương lượng tối đa là 15 ngày.

Thời hạn thương lượng có thể kéo dài theo thỏa thuận giữa người yêu cầu bồi thường và người giải quyết bồi thường nhưng tối đa là 10 ngày kể từ ngày hết thời hạn thương lượng.

*Nguyên tắc thương lượng việc bồi thường:

Khi tiến hành thương lượng việc bồi thường, người giải quyết yêu cầu bồi thường phải đảm bảo các nguyên tắc sau: Người yêu cầu bồi thường, cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường đều bình đẳng trong quá trình thương lượng; Bảo đảm dân chủ, tôn trọng ý kiến của các thành phần tham gia thương lượng; Nội dung thương lượng, kết quả thương lượng về các thiệt hại được bồi thường, mức bồi thường phải phù hợp với quy định của Luật TNBTCNN năm 2017.

* Thành phần tham gia thương lượng:

Buổi thương lượng phải đảm bảo thành phần tham gia, bao gồm:

- Đại diện lãnh đạo cơ quan giải quyết bồi thường chủ trì thương lượng việc bồi thường; người giải quyết bồi thường;

- Người yêu cầu bồi thường;

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của: người bị thiệt hại; người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại; người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại điện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự;

- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước;

- Đại diện Viện kiểm sát có thẩm quyền trong trường hợp vụ việc Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động tố tụng hình sự.

- Trong những trường hợp cần thiết, cơ quan giải quyết bồi thường có thể mời đại diện cơ quan tài chính cùng cấp, cá nhân, tổ chức khác, yêu cầu người thi hành công vụ gây thiệt hại tham gia thương lượng.

Việc thương lượng phải được thực hiện đúng thành phần, nội dung, thủ tục quy định. Nếu không bảo đảm đủ và đúng thành phần tham gia thương lượng sẽ kéo theo hậu quả pháp lý là Thủ trưởng cơ quan giải quyết bồi thường sẽ phải ra quyết định hủy quyết định giải quyết bồi thường để giải quyết lại theo yêu cầu của người yêu cầu bồi thường trong trường hợp việc thương lượng được thực hiện không đúng thành phần theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 48 Luật TNBTCNN năm 2017.

* Địa điểm tiến hành thương lượng việc bồi thường

Việc thương lượng được thực hiện tại một trong các địa điểm sau:

- Trường hợp người yêu cầu bồi thường là cá nhân thì địa điểm thương lượng là trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu bồi thường cư trú, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

- Trường hợp người yêu cầu bồi thường là tổ chức thì địa điểm thương lượng là trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt trụ sở của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

* Nội dung thương lượng việc bồi thường bao gồm:

Các loại thiệt hại được bồi thường; Số tiền bồi thường; Khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp khác (nếu có); Phương thức chi trả tiền bồi thường; Các nội dung khác có liên quan đến việc giải quyết yêu cầu bồi thường. 

* Trình tự thương lượng việc bồi thường

Việc thương lượng được thực hiện theo các bước sau:

- Người yêu cầu bồi thường trình bày ý kiến về yêu cầu bồi thường của mình và cung cấp bổ sung tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu bồi thường của mình (nếu có);

- Người giải quyết bồi thường công bố báo cáo xác minh thiệt hại;

- Người giải quyết bồi thường và người yêu cầu bồi thường trao đổi, thỏa thuận về các nội dung thương lượng;

- Đại diện cơ quan giải quyết bồi thường trình bày ý kiến; người thi hành công vụ gây thiệt hại trình bày ý kiến (nếu có); cá nhân, đại diện tổ chức khác phát biểu ý kiến theo yêu cầu của người chủ trì;

- Đại diện cơ quan tài chính nêu ý kiến về các loại thiệt hại, mức thiệt hại, số tiền bồi thường (nếu có);

- Đại diện cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước phát biểu ý kiến. 

* Kết thúc thương lượng việc bồi thường và kết quả của việc thương lượng

Ngay sau khi kết thúc việc thương lượng, người giải quyết bồi thường phải lập biên bản kết quả thương lượng. Biên bản kết quả thương lượng phải ghi rõ những nội dung chính về nội dung thương lượng, xác định rõ việc thương lượng thành hoặc không thành. Biên bản phải có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu bồi thường, chữ ký của đại diện các cơ quan, người tham gia thương lượng theo thành phần và được giao cho mỗi người 01 bản tại buổi thương lượng. Trường hợp các bên tiến hành thương lượng nhiều lần thì sau mỗi lần thương lượng đều phải lập biên bản.

Trường hợp thương lượng thành thì cơ quan giải quyết bồi thường ra quyết định giải quyết bồi thường theo quy định tại khoản 1 Điều 47 của Luật TNBTCNN năm 2017. Trường hợp thương lượng không thành thì người yêu cầu bồi thường có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật TNBTCNN năm 2017.

Như vậy, thương lượng là một bước không thể thiếu trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường, giữ vai trò quan trọng và mang tính quyết định trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường, để không bị hủy quyết định giải quyết bồi thường để giải quyết lại đòi hỏi cơ quan giải quyết bồi thường phải bảo đảm tuân thủ các quy định về thành phần, nội dung, thủ tục thương lượng việc bồi thường theo yêu cầu của người yêu cầu bồi thường. Thương lượng không chỉ góp phần cho viêc giải quyết yêu cầu bồi thường một cách kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả mà còn thể hiện ý chí, trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhân dân./.

Hoàng Ngoan - Sở Tư pháp

 

Lượt xem: 83

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     49,031