Tin tức - Sự kiện

Tư pháp Đồng Nai – 40 năm trưởng thành và phát triển, khẳng định vai trò và vị trí của Ngành

Ngày 28/08/2022 - 10:16:04

 

Trải qua 77 năm xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ngành Tư pháp Việt Nam đã nổ lực vượt qua khó khăn, gian khổ, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với vai trò là cơ quan trọng yếu của chính quyền theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những năm gần đây, công tác cải cách thể chế đang ngày càng phát huy hiệu quả, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân. Chính phủ thực hiện phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, Ngành Tư pháp đã có những đóng góp rất lớn cho công cuộc cải cách, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của Nhân dân.

Đồng chí Võ Thị Xuân Đào - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp

Đối với Ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai, trong 40 năm qua đã không ngừng phát triển và hoàn thiện cả về tổ chức bộ máy và hiệu quả hoạt động. Kết quả công tác tư pháp của tỉnh đã giúp hoàn thiện thể chế, chính sách, thực hiện hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần vào sự ổn định an ninh – trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt là trong 07 năm gần đây, ngành tư pháp tỉnh Đồng Nai đã đạt những bước đột phá quan trọng, khẳng định vai trò, vị trí của Ngành.

Ban Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì họp mặt 40 năm Ngày thành lập Sở Tư pháp

Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai được thành lập từ năm 1982 với 07 đồng chí. Với rất nhiều khó khăn, thử thách, qua 40 năm đã có sự trưởng thành vượt bậc về số lượng và chất lượng, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh nhà. Ngành Tư pháp đã kiện toàn và sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện hiệu quả công tác xây dựng và phát triển ngành, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của công chức, viên chức của Ngành. Đến nay, toàn ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai có 446 công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, đội ngũ công chức, viên chức thường xuyên được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị.

Trong công tác chỉ đạo, điều hành của ngành Tư pháp luôn bám sát mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội; chương trình công tác hàng năm và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; chủ động, tích cực, triển khai đồng bộ, toàn diện và thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Các mặt công tác chuyên môn đều có sự phát triển và đạt nhiều kết quả tích cực, ngày càng khẳng định vai trò của Ngành Tư pháp trong hệ thống chính trị tại địa phương.

1. Chất lượng công tác thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được nâng cao, đảm bảo các văn bản quy phạm pháp luật được kiểm soát chặt chẽ trước, sau khi ban hành. Sở Tư pháp đã phối hợp kịp thời và chặt chẽ với sở, ban, ngành cấp tỉnh trong việc tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định và trình HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết, đảm bảo các chính sách của tỉnh, đáp ứng yêu của sự phát triển và quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Vị trí, vai trò của Sở Tư pháp ngày càng được nâng cao và trở thành một thành viên quan trọng trong UBND tỉnh.

Công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được Sở Tư pháp thực hiện thường xuyên, kịp thời phát hiện những văn bản trái pháp luật, văn bản hết hiệu lực, văn bản không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành hoặc không phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và hoàn thiện của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật. Nhất là các quy định pháp luật liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

2. Ngành Tư pháp Đồng Nai đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân. Sở Tư pháp triển khai đồng bộ các giải pháp như đăng ký cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến thông qua internet và hệ thống bưu điện; tăng cường thực hiện quy trình quản lý, vận hành các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; kết nối, chia sẽ thông tin, dữ liệu các phần mềm giải quyết thủ tục hành chính giữa Sở Tư pháp với các cơ quan liên quan; nhận, trả hồ sơ thông qua hệ thống bưu chính; tra cứu tình trạng giải quyết hồ sơ, tra cứu thủ tục hành chính, gửi thông báo, thư xin lỗi qua tin nhắn SMS, Zalo... 100% hồ sơ đều được thực hiện trên phần mềm một cửa hiện đại Egov, giải quyết đúng hạn và trước hạn đạt tỉ lệ từ 98% trở lên, tỷ lệ hài lòng của người dân đạt gần 100%.

Đặc biệt là trong năm 2022, Ngành Tư pháp đã tập trung triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) với các nhiệm vụ của ngành được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện số hóa dữ liệu hộ tịch lịch sử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc. Đến nay, đã hoàn thành khối lượng dữ liệu ở giai đoạn 1 và chuyển đổi vào cơ sở dữ liệu hộ tịch toàn quốc, đủ điều kiện nghiệm thu theo đúng các bước trong quy trình số hóa sổ hộ tịch với trên 600 ngàn trường hợp.

3. Công tác theo dõi thi hành pháp luật và quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, các dự án lớn của tỉnh luôn được Sở Tư pháp quan tâm, phối hợp tham mưu kịp thời, không có trường hợp phát sinh khiếu nại kéo dài. Ngành Tư pháp cũng đã thực hiện hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật theo lĩnh vực trọng tâm hàng năm, tạo được sự chuyển biến tích cực đối với các lĩnh vực được theo dõi. Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xử phạt vi phạm hành chính, thẩm định các vụ việc vi phạm hành chính phức tạp.

4. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, nội dung bám sát chỉ đạo của các Bộ, ngành Trung ương, có trọng tâm, trọng điểm; hình thức và biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật được lựa chọn phù hợp với địa bàn và đối tượng; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền đã được chú trọng và khẳng định hiệu quả. Sở Tư pháp đã thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh, tham mưu triển khai đầy đủ các nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật, chủ động hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thay đổi hình thức để phù hợp với tình hình thực tế. Nhiều mô hình, cách làm hay về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai hiệu quả ở Đồng Nai và được Bộ Tư pháp đánh giá cao. Cụ thể như tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật hàng năm, Hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật bằng hình thức trực tuyến, mô hình “Pháp luật cho mọi người” giữa Sở Tư pháp và Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai, tuyên truyền phổ biến pháp luật qua mạng xã hội facebook với nhiều trang Fanpage thu hút được đông đảo người theo dõi, quan tâm, tuyên truyền qua mạng xã hội zalo với các Trang zalo chính thức của các cơ quan, đơn vị, địa phương (OA).

Trong đó nổi bật là Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật được tổ chức liên tục hàng năm từ năm 2018, thu hút gần 03 triệu lượt thi, tạo được hiệu ứng lan tỏa sâu rộng, trở thành hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, góp phần hình thành thói quen chủ động tìm hiểu pháp luật của người dân. Các Hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa được tổ chức vào năm 2019, 2020 với nội dung về bình đẳng giới và phòng, chống tham nhũng thực sự đã tạo được kết quả tích cực, góp phần đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát huy được tính sáng tạo của đội ngũ công chức làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Ngành Tư pháp cũng đã quan tâm xây dựng đội ngũ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với 279 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 338 báo cáo viên pháp luật cấp huyện; 2.576 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã. Đội ngũ này thường xuyên được tập huấn kiến thức pháp luật, cung cấp tài liệu tuyên truyền, phổ biến. Ngành Tư pháp của tỉnh cũng đã có Trang Thông tin điện tử riêng về phổ biến, giáo dục pháp luật, thường xuyên cập nhật các thông tin, các quy định pháp luật mới và tài liệu tuyên truyền, văn bản pháp luật để tổ chức , cá nhân khai thác, sử dụng.

5. Công tác hòa giải ở cơ sở và chuẩn tiếp cận pháp luật cũng được quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 940 tổ hòa giải với 5.465 hòa giải viên, tỷ lệ hòa giải thành trung bình đạt từ 80% trở lên, hoạt động hòa giải ở cơ sở góp phần giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương. Công tác chuẩn tiếp cận pháp luật cũng ngày càng hiệu quả và thực chất hơn, góp phần đảm bảo quyền tiếp cận pháp luật của người dân ở cơ sở, năm 2021 toàn tỉnh có 165/170 cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

6. Công tác trợ giúp pháp lý có những kết quả tích cực, năm sau cao hơn năm trước, từ chỗ không hoàn thành chỉ tiêu, đến năm 2021, công tác trợ giúp lý đã vượt mức chỉ tiêu, chất lượng trợ giúp pháp lý được nâng cao; 100% vụ việc đạt chất lượng tốt. Hiệu quả từ công tác trợ giúp pháp lý đã giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đối tượng yếu thế, khẳng định hơn nữa vai trò của ngành tư pháp.

7. Công tác quản lý nhà nước về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực và cấp Phiếu lý lịch tư pháp được thực hiện thường xuyên, hiệu quả ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu của Nhân dân. Nhu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp của người dân ngày càng tăng và Sở Tư pháp đã đảm bảo việc cấp Phiếu cho người dân đúng thời gian quy định với số lượng hơn 10.000 Phiếu mỗi năm.

8. Các tổ chức hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp tiếp tục được quan tâm phát triển nhằm bảo đảm hoạt động của các tổ chức này theo đúng quy định pháp luật đồng thời đảm bảo tính pháp lý cho các giao dịch dân sự và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân. Đồng Nai là một trong những tỉnh đầu tiên thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng với sự phát triển mạnh mẽ của các Văn phòng công chứng, đến nay có 63 tổ chức hành nghề công chứng, Hội Công chứng viên cũng đã được thành lập và đi vào hoạt động, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò xã hội của đội ngũ công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã đóng thuế hàng tỷ đồng mỗi năm. Các tổ chức hành nghề luật sư, đấu giá tài sản, thừa phát lại cũng được phát triển rộng rãi và công tác quản lý ngày càng hiệu quả.

Bên cạnh các nhiệm vụ công tác chuyên môn, Ngành Tư pháp cũng thường xuyên tích cực tham gia công tác xã hội – từ thiện, đóng góp các quỹ từ thiện, xây dựng các nhà tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh với số tiền hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đến nay, Sở Tư pháp đã trao tặng 08 căn nhà tình thương cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh với số tiền 760 triệu đồng. Sở Tư pháp cũng đã tích cực tham gia các hoạt động phong trào, các tổ chức đoàn thể của Sở (Đoàn thanh niên, Công đoàn cơ sở) hàng năm đều được đánh giá là đơn vị dẫn đầu các phong trào thi đua với nhiều hoạt động sôi nổi, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện thường xuyên gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn với nhiều mô hình hiệu quả, thiết thực.

Những đóng góp to lớn của Ngành Tư pháp đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý. Sở Tư pháp có 05 năm được UBND tỉnh đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 03 năm liền đạt danh hiệu cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, nhiều Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Tư pháp về thành tích xuất sắc trong các mặt công tác…Riêng trong năm 2022, tập thể Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai tiếp tục vinh dự được UBND tỉnh đề nghị tặng Cờ Thi đua Chính phủ năm thứ 3 liên tiếp.

Tập thể công chức, viên chức Sở Tư pháp

Phát huy truyền thống 40 năm của Ngành, toàn thể công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp Đồng Nai quyết tâm không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người công chức tư pháp như lời Bác Hồ lúc sinh thời đã từng dạy: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, “phải gần dân, hiểu dân, giúp dân và học dân”; thực hiện phương châm “hướng về cơ sở, phục vụ Nhân dân”; tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực thực tiễn; kế tục sự nghiệp vẻ vang của các thế hệ đi trước, hoàn thành xuất sắc công tác tư pháp, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và niềm tin yêu của Nhân dân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2022./.

Đồng chí Võ Thị Xuân Đào - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tư pháp

Theo stp.dongnai.gov.vn

Lượt xem: 39

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     49,020