Tin tức - Sự kiện

Nội dung truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 2023 - 2024

Ngày 26/04/2023 - 12:23:26

 

Bộ trưởng Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 1924/QĐ-BYT ngày 20/4/2023 về Kế hoạch định hướng công tác Truyền thông tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam năm 2023-2024. Theo đó xác định các nội dung truyền thông  tiêm vắc xin phòng COVID-19 2023 – 2024, cụ thể như sau:

1. Chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân các cấp về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

2. Vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhằm để phòng, chống dịch”; khuyến khích người dân tích cực, chủ động tham gia tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch, đúng đối tượng theo khuyến cáo của ngành y tế:

- Cập nhật, cung cấp các thông tin khoa học về hiệu quả của vắc xin phòng COVID-19 trong phòng, chống dịch, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên Thế giới và tại Việt Nam. Cập nhật xu hướng, khuyến cáo tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên thế giới và dự báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 hàng năm.

- Truyền thông về nguy cơ, ảnh hưởng của mắc COVID-19 và hội chứng hậu COVID-19 đến bệnh nền, sức khỏe, sự phát triển... ở các nhóm đối tượng khác nhau; Xu hướng xuất hiện các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2; Tiêm vắc xin phòng COVID-19 là giải pháp chiến lược “chủ lực” giúp kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả; Hiệu quả giảm chuyển bệnh nặng và tử vong do COVID-19 của vắc xin.

- Trong năm 2023, tập trung truyền thông vận động các bậc cha mẹ/người chăm sóc trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đưa con đi tiêm chủng đủ liều cơ bản vắc xin phòng COVID-19; cập nhật thông tin về tiêm mũi nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh trên Thế giới và Việt Nam.

- Truyền thông kế hoạch tiêm chủng quốc gia và tại địa phương; đổi mới hình thức, cập nhật các thông điệp, khuyến cáo về vắc xin và lịch tiêm chủng, đối tượng tiêm chủng, các hướng dẫn khi đi tiêm chủng và theo dõi sức khỏe sau khi tiêm chủng...đến các nhóm đối tượng đích.

- Vận động người dân chủ động tham gia hoạt động truyền thông về tiêm chủng vắc xin, hỗ trợ ngành y tế và các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác tiêm chủng.

3. Công tác cung ứng vắc xin phòng COVID-19, đảm bảo an toàn tiêm chủng, ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức... trong triển khai tiêm chủng trên toàn quốc, tại các địa phương.

4. Xây dựng các câu chuyện, các sự kiện liên quan đến truyền thông vận động người dân tham gia tiêm chủng để tăng cường truyền thông đến các nhóm đối tượng đích.

5. Cung cấp các thông tin khoa học, kịp thời để phối hợp các cơ quan chức năng phản bác, xử lý tin giả, tin đồn liên quan đến công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo đúng quy định.

6. Nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện tiêm chủng an toàn, đạt hiệu quả cao.

Việc thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 vẫn là một giải pháp hiệu quả hiện nay để phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thực hiện hiệu quả công tác truyền thông về tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhằm tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân, phòng, chống Covid-19 hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.

Đồng Hoa - Sở Tư pháp

Lượt xem: 37

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     69,049