Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và có vai trò hết sức quan trọng trong việc tăng cường pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Thời gian qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp quan tâm thực hiện với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân, góp phần giúp nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Tuy nhiên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chủ yếu vẫn còn mang tính chất một chiều từ cơ quan thực hiện, chưa có nhiều sự tương tác ngược lại của đối tượng thụ hưởng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục, pháp luật chủ yếu được đánh giá chung thông qua mức độ ổn định của tình hình an ninh - trật tự, an toàn xã hội vốn dĩ là kết quả của nhiều lĩnh vực, không chỉ riêng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc đánh giá hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cần được thực hiện thường xuyên đối với từng hoạt động PBGDPL cụ thể và cần có một khung tiêu chí để thực hiện thống nhất. Vì vậy việc ban hành Khung tiêu chí chung về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là cần thiết.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang dự thảo Quyết định ban hành Khung tiêu chí chung về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và thực tiễn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương. Đối với dự thảo Quyết định có một số nội dung cần được quan tâm như sau:
1. Việc xác định “khung tiêu chí chung được thí điểm chỉ áp dụng trong đánh giá hiệu quả các hoạt động các hoạt động PBGDPL trực tiếp”
Việc này đã giới hạn cụ thể về các hoạt động đánh giá, tạo thuận lợi hơn trong quá trình thực hiện thí điểm. Theo đó xác định phạm vi các hoạt động PBGDPL trực tiếp để thực hiện đánh giá hiệu quả của hoạt động PBGDPL cụ thể. Tuy nhiên, quy định này chỉ phù hợp trong thực hiện thí điểm vì thực tế hoạt động PBGDPL trực tiếp đang ngày càng ít được các cơ quan, đơn vị thực hiện. Thay vào đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác PBGDPL với nhiều các hoạt động thu hút được đông đảo người dân tham gia, truyền tải nhiều thông tin pháp luật trên nhiều lĩnh vực đến người dân một cách nhanh chóng. Vì vậy thực tế triển khai việc đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL nếu chỉ đánh giá đối với hoạt động PBGDPL trực tiếp thì không phản ánh được hiệu quả công tác PBGDPL đối với một địa bàn, lĩnh vực, đối tượng thụ hưởng.
2. Mốc thời gian các thông tin, số liệu và thời gian báo cáo đánh giá
- Dự thảo xác định mốc thời gian các thông tin, số liệu để đánh giá được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đánh giá“ nhưng lại yêu cầu “Kết quả đánh giá đối với nhóm tiêu chí này được tổng hợp trong Báo cáo công tác tư pháp hoặc Báo cáo kết quả hoạt động PBGDPL năm của bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương thí điểm.” là chưa phù hợp vì Báo cáo công tác tư pháp hoặc Báo cáo kết quả hoạt động PBGDPL hằng năm có số liệu báo cáo từ ngày 01/01 đến 31/10 và thực hiện báo cáo trong tháng 11 nên không thể đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tổng hợp kết quả trong Báo cáo công tác tư pháp hoặc Báo cáo kết quả hoạt động PBGDPL hằng năm.
3. Khung tiêu chí chung cho các địa phương thuộc phạm vi thí điểm xác định chỉ áp dụng đối với hoạt động PBGDPL trực tiếp là chưa đảm bảo yêu cầu theo Quyết định số 979/QĐ-TTg về sự linh hoạt, có thể áp dụng đánh giá cho từng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể gắn với đối tượng, lĩnh vực, vấn đề, thời gian, không gian cụ thể.
4. Nội dung các nhóm tiêu chí trong Khung tiêu chí chung cho các địa phương cần được xác định phù hợp với phạm vi áp dụng của Khung tiêu chí. Cụ thể tại điểm c khoản 1 Điều 1 của Quyết định xác định “khung tiêu chí chung được thí điểm chỉ áp dụng trong đánh giá hiệu quả các hoạt động các hoạt động PBGDPL trực tiếp” vậy với nhóm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm quản lý nhà nước chung về PBGDPL thể hiện việc việc áp dụng đánh giá đối với PBGDPL trực tiếp như thế nào đối với các chỉ tiêu cụ thể để đảm bảo sự phù hợp và khả thi trong quá trình thực hiện. Dự thảo Khung tiêu chí đang thể hiện việc đánh giá mức độ hoàn thành trách nhiệm quản lý nhà nước chung về PBGDPL của địa phương, không chỉ riêng hoạt động PBGDPL trực tiếp.
5. Cơ cấu thang điểm đối với nhóm tiêu chí này cần có sự điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tế.
6. Tính khả thi của quá trình áp dụng khung tiêu chí (nếu như được thông qua). Trong đó, vấn đề cần quan tâm nhiều nhất là nguồn lực thực hiện. Thực tế hiện nay, đội ngũ công chức làm công tác PBGDPL đều là kiêm nhiệm với nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác, số lượng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng lớn và liên tục sửa đổi, bổ sung, thay thế nên tạo áp lực rất lớn cho công tác PBGDPL; khối lượng công việc chuyên môn ngày càng nhiều trong khi biên chế công chức ngày càng giảm nên đội ngũ công chức làm công tác PBGDPL không có nhiều thời gian để đầu tư cho công tác PBGDPL vì vậy việc thực hiện các hoạt động PBGDPL đã gặp khó khăn. Khi Khung tiêu chí được ban hành thì ngoài việc thực hiện các hoạt động PBGDPL, người làm công tác PBGDPL còn phải thực hiện việc đánh giá hiệu quả của hoạt động PBGDPL trực tiếp. Vì vậy, để đảm bảo hiệu quả thực hiện của khung tiêu chí cần có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thực hiện và sự huy động các nguồn nhân lực khác tham gia vào công tác đánh giá./.
Đồng Hoa - Sở Tư pháp
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai