Nhà ở hình thành trong tương lai hiện nay đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư và khách hàng vì mang lại nhiều lợi ích cho cả chủ đầu tư và khách hàng. Đối với chủ đầu tư, đây là một kênh huy động vốn mà không phải chịu lãi suất từ khách hàng. Đối với khách hàng thì có thể tham gia ngay từ quá trình xây dựng nhà ở phù hợp với thị hiếu của mình và được trả chậm, trả dần với giá thấp. Tuy nhiên có một số chủ đầu tư đã lợi dụng niềm tin của khách hàng và “lách” luật nhận cọc của khách hàng trong khi công trình chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh. Từ đó, có một số trường hợp khách hàng mặc dù đã cọc gần 100% số tiền phải thanh toán khi mua nhà nhưng vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nêu trên, sáng ngày 22/11/2023, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai tổ chức Tọa đàm pháp luật về hợp đồng mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai nhằm mục đích phổ biến những quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến hợp đồng mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai và thảo luận đánh giá thực trạng hiện nay đối với việc mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai.
Tham dự Hội nghị có khoảng 70 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh, đại diện các Ngân hàng TMCP, các tổ chức hành nghề Công chứng, Luật sư, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên địa bàn thành phố Biên Hòa và các Luật gia, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia.
Luật gia Nguyễn Thị Hồng Ngân, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật - Hội Luật gia, báo cáo viên của Hội nghị đã truyền đạt 03 nội dung chính về: Pháp luật những vấn đề cơ bản về nhà ở hình thành trong tương lai, pháp luật về kinh doanh và thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Bên cạnh việc, phổ biến nhưng quy định pháp luật hiện hành liên quan đến nhà ở hình thành trong tương lai đang có hiệu lực thi hành, báo cáo viên đã phổ biến thêm những quy định có liên quan quy định tại dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và dự thảo Luật Nhà ở hiện đang thảo luận lấy ý kiến Quốc hội và sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10 và 11/2023).
Tại phần thảo luận đánh giá thực trạng hiện nay đối với việc mua bán, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai được các đại biểu tham dự thảo luận rất sôi nổi, xoay quanh việc nhiều đơn vị môi giới bất động sản và chủ đầu tư các dự án chưa đủ các điều kiện để kinh doanh nhà ở hình thành trong tương lai nhưng đã huy động vốn bằng hình thức "đặt cọc giữ chỗ" hay "hợp đồng góp vốn”. Đây là một trong những cách "lách luật" khi dự án chưa đủ điều kiện mở bán và rủi ro sẽ nằm về phía khách hàng là người mua nhà theo hình thức này là phần nhiều.
Kết thúc Hội nghị, Luật gia Phan Văn Châu kết luận: Một thực tế đang diễn ra là khách hàng là người mua nhà ở hình thành trong tương lai không nắm vững và không xem xét kỹ những quy định pháp luật, cơ sở pháp lý cần thiết khi mua nhà để ở hoặc đầu tư, từ đó đã đẩy khách hàng đến những rủi ro. Để đảm bảo quyền lợi, khách hàng cũng như các Luật gia, Luật sư và tư vấn viên khi tư vấn phải xem xét thật kỹ dự án về điều kiện đưa vào kinh doanh và hợp đồng mua bán phải có đủ các điều khoản như thanh toán, thời hạn bàn giao, các khoản phạt vi phạm hợp đồng, trách nhiệm của chủ đầu tư, bảo lãnh ngân hàng, nghĩa vụ của khách hàng…
Phạm Phương – Hội Luật gia tỉnh
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai