Trong thời đại công nghệ hiện đại, Luật Sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng để đảm bảo công bằng, quyền lợi công dân cho tất cả mọi người. Thời đại mà máy móc thay thế hoàn toàn cho sức người thì giá trị sáng tạo của sản phẩm mới mang đến chất lượng và là yếu tố được đánh giá cao. Do vậy, sự sáng tạo, phát minh, sáng chế cần được bảo vệ để đảm bảo quyền lợi và công bằng.
Nhằm hỗ trợ pháp lý về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, sáng ngày 30/5/2024, Hội Luật gia tỉnh tổ chức Hội nghị tọa đàm pháp luật về sở hữu trí tuệ. Ông Phan Văn Châu - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có khoảng 80 đại biểu là đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh; các tổ chức hành nghề Luật sư; một số tổ chức liên quan sở hữu trí tuệ; lãnh đạo Hội Luật gia các huyện, thành phố Biên Hòa, Long Khánh và các Luật gia, Luật sư, Tư vấn viên pháp luật của Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Ông Phan Văn Châu – Chủ tịch Hội Luật gia nhấn mạnh: Pháp luật về sở hữu trí tuệ nói chung và lĩnh vực phổ biến chính sách, pháp luật sở hữu trí tuệ nói riêng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước, luôn được lãnh đạo tỉnh chú trọng, dành nhiều nguồn lực để thực hiện. Hiện nay, vấn đề bảo bộ quyền sở hữu trí tuệ chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm đúng mức, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp, đang kinh doanh trong thời kỳ hội nhập kinh tế số, có nhiều phát sinh liên quan đến tranh chấp bản quyền trong nước và ngoài nước... Do đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan hoạt động sở hữu trí tuệ.
Tại Hội nghị, Thạc sĩ Ngô Phương Trà - Giảng viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã giới thiệu, trao đổi, chia sẻ nội dung về những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 và phân tích những điểm mới của Luật theo từng đối tượng từ quyền tác giả và quyền liên quan đến các đối tượng SHCN như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và những quy định mới trong thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh việc tuyên truyền các chính sách, pháp luật mới, các đại biểu cũng được cung cấp thêm các thông tin, đánh giá về những tác động của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đến doanh nghiệp.
Trong phần tọa đàm, các đại biểu đã dành nhiều thời gian trao đổi và làm rõ các quy định liên quan đến chính sách mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời các đại biểu đã cùng thảo luận quy trình đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý liên quan đến một số loại cây ăn trái trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị góp phần nâng cao nhận thức áp dụng và thi pháp luật về sở hữu trí tuệ cho công chức, viên chức, người lao động và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, hội viên có liên quan trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy và nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; xây dựng ý thức tôn trọng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tiến tới hình thành văn hóa sở hữu trí tuệ trong xã hội; từng bước đưa sở hữu trí tuệ thành công cụ quan trọng trong hệ thống đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội./.
Phạm Phương – Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai