Thông báo Báo chí

Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành lĩnh vực khoa học và công nghệ

Ngày 10/05/2024 - 09:01:53

Căn cứ Quyết định số 977/QĐ-TTg ngày 11/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”;

Thực hiện Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 28/3/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện Đề án "Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân" trên địa bàn trong năm 2024; Ban biên tập Trang Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đăng tải toàn văn Thông cáo báo chí Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành từ ngày 08/12/2023 đến ngày 30/4/2024 trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như sau:

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành trong lĩnh vực khoa học và công nghệ

I. VĂN BẢN 1

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật: Nghị quyết số 31/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về lĩnh vực công nghệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030.

2. Hiệu lực thi hành: Hiệu lực ngày 01/01/2024.

3. Sự cần thiết, mục đích ban hành

Luật Chuyển giao công nghệ và Nghị định số 76/2018/NĐ-CP quy định có nội dung biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ. Khoản 1 Điều 76 Luật khoa học và công nghệ quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh “Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ” và tại Khoản 1 Điều 56 Luật chuyển giao công nghệ ngày 19/6/2017 quy định trách nhiệm của UBND cấp tỉnh “Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch về chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ tại địa phương”.

Mặt khác hiện nay, tỉnh Đồng Nai chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ kinh phí trong việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ tại doanh nghiệp nên việc ban hành chính sách này là thật sự cần thiết, nhằm đảm bảo thi hành văn bản của cấp trên, đồng thời thúc đẩy việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh trên thị trường, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

4. Nội dung chủ yếu

4.1. Bố cục

Nghị quyết được xây dựng gồm 6 Điều: Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; Điều 2. Nguyên tắc hỗ trợ; Điều 3. Nội dung, điều kiện, hình thức và mức hỗ trợ; Điều 4. Nguồn kinh phí thực hiện; Điều 5. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ và Điều 6. Tổ chức thực hiện.

4.2. Nội dung cơ bản của Nghị quyết

1. Hỗ trợ xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ

a) Nội dung: Hỗ trợ kinh phí tư vấn cho doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Đối tượng được hỗ trợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Mục tiêu đổi mới công nghệ phải phù hợp với kế hoạch phát triển doanh nghiệp và chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực;

- Việc thực hiện lộ trình công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ phải góp phần tăng ít nhất 5% gia tăng giá trị sản xuất sản phẩm;

- Doanh nghiệp thực hiện phải đảm bảo huy động đủ nguồn lực để thực hiện lộ trình công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ; ưu tiên đối ứng bằng nguồn quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp;

- Dự kiến được quy mô ứng dụng, phân khúc thị trường tiêu thụ rõ ràng.

c) Mức hỗ trợ: 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 50 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.

d) Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp thông qua giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

2. Hỗ trợ thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ các công nghệ tiên tiến, sản xuất thử nghiệm

a) Nội dung: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ các công nghệ tiên tiến, sản xuất thử nghiệm để doanh nghiệp nâng cao tính năng, chất lượng sản phẩm, đổi mới thiết bị, dây chuyền, quy trình công nghệ tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Đối tượng được hỗ trợ đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

- Sản phẩm tạo ra có tính năng, chất lượng, khả năng cạnh tranh cao hơn so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu;

-  Việc nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất góp phần tăng ít nhất 5% giá trị của sản phẩm, năng suất lao động cao hơn so với trước khi thực hiện dự án;

- Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường phải cam kết ứng dụng công nghệ được nghiên cứu, làm chủ trong ít nhất 02 năm đầu sau khi kết thúc dự án.

c) Mức hỗ trợ: 30% tổng kinh phí thực hiện dự án nhưng không quá 01 tỷ đồng/doanh nghiệp.

d) Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp thông qua giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

3. Hỗ trợ chuyển giao công nghệ, mua thiết kế, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực.

a) Nội dung: Hỗ trợ kinh phí tư vấn cho doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ, mua thiết kế, thuê chuyên gia nước ngoài, đào tạo nguồn nhân lực.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Đối tượng được hỗ trợ đáp ứng đầy đủ điều kiện sau:

- Công nghệ chuyển giao tập trung vào các ngành ưu tiên phát triển, mũi nhọn, chủ lực, cụ thể: Công nghệ sinh học; công nghệ thông tin và truyền thông; công nghệ vật liệu; công nghệ chế tạo - tự động hóa; công nghệ phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; công nghệ năng lượng; công nghệ môi trường; công nghệ xây dựng, giao thông, thương mại và hạ tầng tiên tiến, thông minh; anh ninh - quốc phòng;

- Sản phẩm tạo ra đạt đủ tiêu chuẩn chất lượng, giảm thiểu những sản phẩm bị lỗi khiến hao tốn nguyên - nhiên vật liệu, giảm giá thành sản phẩm dẫn đến sản phẩm có tính cạnh tranh hơn.

c) Mức hỗ trợ: 50% giá trị hợp đồng tư vấn nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng/năm/doanh nghiệp.

d) Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp thông qua giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

4. Hỗ trợ thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ để tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, làm chủ, giải mã các công nghệ mới, tiên tiến.

a) Nội dung: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trong việc thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ để tìm kiếm, chuyển giao, ứng dụng, làm chủ, giải mã các công nghệ mới, tiên tiến.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Đối tượng được hỗ trợ đáp ứng đầy đủ điều kiện sau:

- Có phối hợp thực hiện giữa doanh nghiệp với cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ trong nước;

- Xác định được công nghệ cần tìm kiếm: sự cần thiết, tính cấp thiết, phù hợp của công nghệ, công nghệ rõ ràng, đánh giá vai trò và tác động đối với doanh nghiệp;

- Đề xuất được phương án tìm kiếm, phát hiện công nghệ, giải mã theo yêu cầu hoặc theo đặt hàng của tổ chức, doanh nghiệp; xác định điều kiện để chuyển giao công nghệ;

- Chứng minh được khả năng ứng dụng, làm chủ, chuyển giao khai thác hiệu quả công nghệ được tìm kiếm;

- Công nghệ cần chuyển giao, ứng dụng, làm chủ và giải mã là công nghệ mới, công nghệ tiên tiến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương.

c) Mức hỗ trợ: 50% tổng kinh phí nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp.

d) Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp thông qua giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

5. Hỗ trợ hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ để triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ:

a) Nội dung: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trong hoạt động hợp tác giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ để triển khai các dự án đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới công nghệ:

b) Điều kiện hỗ trợ:

Đối tượng được hỗ trợ đáp ứng đầy đủ điều kiện sau:

- Có phối hợp giữa doanh nghiệp với cơ quan, tổ chức khoa học và công nghệ để thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ;

- Có báo cáo khả thi cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đổi mới công nghệ;

- Thực hiện đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển hạ tầng phục vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và đổi mới công nghệ phải cam kết hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong ít nhất 02 năm đầu sau khi kết thúc dự án.

c) Mức hỗ trợ: 50% tổng kinh phí nhưng không quá 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp.

d) Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp thông qua giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

6. Hỗ trợ việc triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh theo hướng sản xuất thông minh

a) Nội dung: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp trong việc triển khai ứng dụng các công nghệ tiên tiến, các mô hình quản trị, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp theo hướng sản xuất thông minh trong sản xuất tạo ra các sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị và có tính cạnh tranh cao trên thị trường.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Đối tượng được hỗ trợ đáp ứng đầy đủ điều kiện sau:

- Mô hình quản trị, sản xuất thông minh tập trung vào các ngành ưu tiên, mũi nhọn và ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao;

- Thực hiện mô hình phải góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tăng giá trị sản phẩm;

- Dự kiến được quy mô ứng dụng, mở rộng thị trường của mô hình..

c) Mức hỗ trợ: 30% tổng kinh phí nhưng không quá 100 triệu đồng/doanh nghiệp.

d) Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp thông qua giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

7. Hỗ trợ đào tạo, thuê chuyên gia thiết kế, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ để tạo ra các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn, chiếm lĩnh thị trường trong nước.

a) Nội dung: Hỗ trợ đào tạo, thuê chuyên gia thiết kế, sản xuất sản phẩm mới và thay đổi quy trình công nghệ để tạo ra các sản phẩm có sức tiêu thụ lớn, chiếm lĩnh thị trường trong nước.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Đối tượng được hỗ trợ đáp ứng đầy đủ điều kiện sau:

- Doanh nghiệp có đủ năng lực thực hiện;

- Sản phẩm tạo ra có khả năng cạnh tranh cao, có tiềm năng về lợi ích xã hội và lợi ích kinh tế, giúp doanh nghiệp phát triển nhanh về chất lượng và quy mô;

- Chứng minh được hiệu quả của dự án:

+ Đối với dự án sản xuất sản phẩm mới phải tạo ra sản phẩm có tính năng, chất lượng, giá cạnh tranh so với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu;

+ Việc thay đổi quy trình công nghệ góp phần tăng ít nhất 5% giá trị sản phẩm, tăng năng suất lao động.

c) Mức hỗ trợ: 30% tổng kinh phí nhưng không quá 500 triệu đồng/doanh nghiệp.

d) Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp thông qua giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

8. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp; cải tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao công nghệ tạo giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng và kiểm soát dịch bệnh ở quy mô lớn tại các vùng nông thôn, miền núi.

a) Nội dung: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến, tự động hóa các mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, công nghệ sau thu hoạch và chế biến sản phẩm nông nghiệp; cải tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao công nghệ tạo giống, kỹ thuật canh tác, nuôi trồng và kiểm soát dịch bệnh ở quy mô lớn tại các vùng nông thôn, miền núi.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Đối tượng được hỗ trợ đáp ứng đầy đủ điều kiện sau:

- Xác định được thị trường, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; giải quyết những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của nơi thực hiện dự án và bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường sinh thái;

- Mô hình phù hợp với nhu cầu phát triển và điều kiện thực tế của vùng miền, địa phương;

- Doanh nghiệp chủ trì phải chứng minh được khả năng huy động đủ nguồn vốn đối ứng và sử dụng, nhân rộng mô hình dự án; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp có sử dụng nguồn vốn từ quỹ phát triển khoa học và công nghệ của mình.

c) Mức hỗ trợ: 30% tổng kinh phí nhưng không quá 500 triệu đồng/doanh nghiệp.

d) Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp thông qua giao nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

9. Hỗ trợ đổi mới công nghệ phục vụ việc duy trì, phát triển thế mạnh của các ngành nghề, làng nghề truyền thống

a) Nội dung: Hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ phục vụ việc duy trì, phát triển thế mạnh của các ngành nghề, làng nghề truyền thống.

b) Điều kiện hỗ trợ:

Đối tượng được hỗ trợ đáp ứng đầy đủ điều kiện sau:

- Mục tiêu, nội dung hỗ trợ đổi mới công nghệ phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế địa phương;

- Xác định được tiềm năng, thế mạnh sản phẩm của các vùng miền, các làng nghề và làng nghề truyền thống;

- Có khả năng phối hợp với các chương trình khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư để xây dựng các dự án nghiên cứu triển khai, ứng dụng công nghệ theo thế mạnh, đặc trưng của các vùng, miền;

- Ưu tiên các dự án góp phần hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững ứng dụng công nghệ tiên tiến tại mỗi vùng sinh thái.

c) Mức hỗ trợ: 30% tổng kinh phí nhưng không quá 500 triệu đồng/doanh nghiệp.

d) Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ trực tiếp thông qua giao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

II. VĂN BẢN 2

1. Tên văn bản quy phạm pháp luật: Quyết định số 01/2024/QĐ-UBND ngày 05/01/2024 của UBND tỉnh Đồng Nai sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định quản lý hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ban hành kèm theo Quyết định số 59/2021/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh.

2. Hiệu lực thi hành: Từ ngày 25/01/2024.

3. Sự cần thiết, mục đích ban hành

Ngày 31/12/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 59/2021/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Đồng Nai là cơ sở pháp lý quy định chi tiết về thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục xét công nhận sáng kiến, xét công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến trong toàn tỉnh và toàn quốc phục vụ cho công tác thi đua khen thưởng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, để đảm bảo các hoạt động tiếp nhận, xét công nhận sáng kiến, xét công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến phù hợp về thẩm quyền, điều kiện, trình tự thủ tục và quy định pháp luật tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16/6/2022, Luật thi đua, khen thưởng ngày 15/6/2022 thì việc xây dựng “Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định Quản lý hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ban hành kèm theo Quyết định số 59/2021/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai” là cần thiết.

                4. Nội dung chủ yếu

4.1. Bố cục

Quyết định gồm có 03 Điều: Điều 1. Một số nội dung sửa đổi; Điều 2. Hiệu lực thi hành và Điều 3: Trách nhiệm thi hành.

                4.2. Nội dung cơ bản của Quyết định

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định Quản lý hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ban hành kèm theo Quyết định số 59/2021/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, cụ thể như sau:

1. Sửa đổi khoản 3 Điều 4 như sau:

“3. Trường hợp sáng kiến có đồng tác giả và số lượng đồng tác giả không vượt quá 03 người thì các đồng tác giả phải có bản giải trình nêu rõ nội dung công việc từng người tham gia tạo ra sáng kiến nộp kèm theo đơn yêu cầu công nhận sáng kiến. Báo cáo giải trình của đồng tác giả thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.”

2. Sửa đổi khoản 2 Điều 17 như sau:

“2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thẩm quyền xét công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến trong phạm vi toàn tỉnh và toàn quốc để giải quyết các yêu cầu liên quan đến sáng kiến thuộc thẩm quyền hoặc để thực hiện các quy định của pháp luật có liên quan”.

3. Sửa đổi điểm a khoản 2 Điều 18 như sau:

“a) Đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP, Điều 4 của Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN và theo hướng dẫn tại Điều 15 của Quy định này, trong đó tính mới của sáng kiến được xem xét đối chiếu với nội dung các giải pháp có cùng bản chất thể hiện ở tất cả các nguồn tài liệu mà Hội đồng công nhận sáng kiến ở cấp huyện và tương đương có thể tiếp cận được;”

4. Sửa đổi, bổ sung Điều 19 như sau:

 “Điều 19. Thủ tục xét công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến trong phạm vi toàn tỉnh và toàn quốc.

 1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng công nhận sáng kiến tỉnh Đồng Nai để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến trong phạm vi toàn tỉnh và toàn quốc.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền cho Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng công nhận sáng kiến tỉnh, xét công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến trong phạm vi toàn tỉnh và toàn quốc.

2. Thành phần Hội đồng công nhận sáng kiến cấp tỉnh gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng: Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ;

b) Các Ủy viên gồm: Lãnh đạo Sở Nội vụ; Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành có liên quan, chuyên gia liên quan đến sáng kiến.

c) Ủy viên kiêm Thư ký Hội đồng: Lãnh đạo đơn vị được phân công công tác quản lý sáng kiến thuộc Sở Khoa học và Công nghệ.

3. Cơ quan thường trực Hội đồng công nhận sáng kiến tỉnh Đồng Nai là Sở Khoa học và Công nghệ, có trách nhiệm:

a) Tiếp nhận hồ sơ yêu cầu công nhận sáng kiến thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng công nhận sáng kiến tỉnh Đồng Nai để phân công cho Tổ Thư ký tổng hợp, phân loại, xem xét, đánh giá sơ bộ;

b) Tham mưu, tổ chức họp Hội đồng công nhận sáng kiến tỉnh Đồng Nai;

c) Tham mưu tổ chức các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng công nhận sáng kiến tỉnh Đồng Nai và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;

d) Được sử dụng con dấu của cơ quan để thực hiện nhiệm vụ được giao.

4. Sáng kiến được xem xét công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Đáp ứng đầy đủ các điều kiện kiện theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Nghị định số 13/2012/NĐ-CP và Điều 4 của Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN theo hướng dẫn tại Điều 15 của Quy định này;

b) Sáng kiến đã được cơ sở công nhận bằng văn bản;

c) Sáng kiến đã được nhân rộng hoặc có khả năng nhân rộng trên địa bàn tỉnh, ngành và có hiệu quả cao;

5. Trường hợp đề nghị Hội đồng công nhận sáng kiến tỉnh Đồng Nai xem xét công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến trong phạm vi toàn quốc, thì ngoài việc đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, tác giả (đồng tác giả) phải chứng minh được sáng kiến đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:

a) Sáng kiến đã được nhân rộng hoặc có khả năng nhân rộng trên toàn quốc và có hiệu quả cao.

b) Có khả năng áp dụng rộng rãi cho nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác trên phạm vi toàn quốc.

6. Hồ sơ đề nghị Hội đồng công nhận sáng kiến tỉnh Đồng Nai xem xét công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến trong toàn tỉnh và toàn quốc phải được cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này chấp thuận và gửi hồ sơ về cơ quan thường trực Hội đồng công nhận sáng kiến tỉnh Đồng Nai (Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai). Hồ sơ gồm:

a) Tờ trình đề nghị công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến trong toàn tỉnh và toàn quốc của Thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

b) Quyết định công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến phạm vi cơ quan, địa phương;

c) Báo cáo chi tiết của tác giả về kết quả của sáng kiến đã được nhân rộng hoặc có khả năng nhân rộng trên địa bàn tỉnh/toàn quốc và có hiệu quả cao .

d) Các tài liệu kèm theo: Đơn yêu cầu công nhận sáng kiến; Quyết định công nhận sáng kiến của cơ quan, địa phương; các tài liệu có liên quan minh chứng các đơn vị đã sử dụng kết quả của sáng kiến trong phạm vi toàn tỉnh và toàn quốc (có xác nhận của lãnh đạo đơn vị đã sử dụng kết quả); Các tài liệu chứng minh hiệu quả, phạm vi ảnh hưởng, khả năng áp dụng rộng rãi của sáng kiến (nếu có).

7. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm xem xét và ban hành quyết định công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến trong toàn tỉnh và toàn quốc.

Chủ tịch Hội đồng công nhận sáng kiến tỉnh có trách nhiệm thông báo kết quả xét công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến trong toàn tỉnh và toàn quốc cho các cơ quan, địa phương sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định công nhận”.

5. Sửa đổi khoản 2 Điều 20 như sau:

“2. Việc xem xét hủy bỏ kết quả công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Quy định này và các quy định hiện hành.”

6. Sửa đổi, bổ sung khoản 2, điểm a, b khoản 3 Điều 25 như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 25 như sau:

“2. Kết quả công nhận sáng kiến, kết quả công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến có thể được xem xét sử dụng cùng một lúc cho các đề nghị tặng thưởng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng khác”.

b). Sửa đổi điểm a khoản 3 Điều 25 như sau:

                “a) Sáng kiến được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến trên toàn tỉnh và toàn quốc theo quy định tại Điều 19 có giá trị sử dụng để làm cơ sở xét, đề nghị tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”, “Chiến sĩ thi đua toàn quốc” và một số danh hiệu cấp cao theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật;”

c). Sửa đổi điểm b khoản 3 Điều 25 như sau:

“b) Sáng kiến được Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng của sáng kiến cấp huyện và tương đương theo quy định tại Điều 18 có giá trị sử dụng để làm cơ sở xét, đề nghị tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp tỉnh, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định của Luật thi đua, khen thưởng năm 2022 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật;”

                Trên đây là nội dung thông cáo báo chí nội dung văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ban hành từ ngày 08/12/2023 đến ngày 30/4/2024 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2024./.

Lượt xem: 10

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     138