Tin tức - Sự kiện

Thể lệ Cuộc thi xây dựng video tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2023

Ngày 21/05/2023 - 12:50:08

 

Thực hiện Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 07/4/2023 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức Cuộc thi xây dựng video tuyên truyền, phổ biến pháp luật năm 2023; Ban Tổ chức Cuộc thi ban hành Thể lệ Cuộc thi.

Theo đó quy định về cách thức thể hiện nội dung của video, cụ thể video có thể được thể hiện dưới các cách thức: là phim ngắn (có các nhân vật là người thật đóng) có kịch bản, lời thoại, bố cục cốt truyện để truyền tải thông tin; Đồ họa có chuyển động gồm các ký tự, hình ảnh, từ ngữ… để thể hiện nội dung kèm âm thanh (tiếng nói) để thuyết minh cho nội dung biểu đạt của hình ảnh; Dạng thuyết trình, diễn giải nội dung tuyên truyền ngắn gọn với các thông điệp rõ ràng hoặc kết hợp nhiều cách thức thể hiện.

Về bản quyền, Ban Tổ chức được lưu giữ, toàn quyền sử dụng các sản phẩm dự thi để phục vụ cho công tác phổ biến, tuyên truyền trên địa bàn tỉnh và không chịu bất cứ vấn đề pháp lý nào liên quan đến quyền tác giả cũng như không phải trả bất cứ chi phí nào. Các sản phẩm đạt giải nếu vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định pháp luật, Ban Tổ chức sẽ hủy kết quả công nhận giải thưởng theo quy định.

Đối với sản phẩm dự thi, Thể lệ xác định các yêu cầu như sau:

1. Nội dung và bố cục rõ ràng, phù hợp với chủ đề Cuộc thi. Video là sản phẩm truyền thông nguyên bản, do thí sinh tự xây dựng, không sao chép từ bất cứ nguồn nào mà chưa được sự cho phép của tác giả về hình ảnh, âm thanh, lời thoại…

2. Sản phẩm dự thi được xây dựng về một trong những nội dung nêu tại điểm a khoản 3 Mục I của Thể lệ, dưới dạng file gốc video định dạng HD hoặc full HD (MP4), đảm bảo về chất lượng hình ảnh và âm thanh.

3. Sản phẩm dự thi có thời lượng từ 01 phút 30 giây đến 02 phút. Khuyến khích sản phẩm dự thi có đầu tư về kỹ thuật (như hiệu ứng âm thanh, hình ảnh sinh động, phù hợp với chủ đề của cuộc thi…).

Thí sinh có sản phẩm dự thi phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề bản quyền của sản phẩm dự thi. Trong trường hợp có tranh chấp hoặc bị phát hiện vi phạm bản quyền, Ban Tổ chức sẽ không xem xét, chấm điểm sản phẩm. Trường hợp tác phẩm vi phạm bản quyền sẽ bị loại khỏi Cuộc thi và bị thu hồi giải thưởng (nếu phát hiện sau khi đã trao giải) và thí sinh đạt giải phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

3. Sản phẩm dự thi chưa được sử dụng, chưa xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội khác.

4. Không sử dụng sản phẩm dự thi đã đạt giải để tham gia Cuộc thi.

5. Thí sinh có sản phẩm dự thi phải đảm bảo ý tưởng bám sát theo yêu cầu do Ban Tổ chức đưa ra, chứng minh được ý tưởng xây dựng video.

Tiêu chí đánh giá sản phẩm dự thi gồm:

- Nội dung của video: Thể hiện được nội dung tuyên truyền về một trong các lĩnh vực pháp luật theo nội dung Cuộc thi; mang ý nghĩa tuyên truyền, phù hợp với thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hóa dân tộc; Chuyển tải được ý tưởng tuyên truyền cụ thể; mang tính tích cực, cổ vũ, định hướng cho các hành vi tuân thủ, thi hành pháp luật, không đưa thông tin hoặc hình ảnh tiêu cực về chủ đề tuyên truyền; Bố cục nội dung và hình thức thể hiện thống nhất, phù hợp giữa từ ngữ, âm thanh, hình ảnh minh hoạ, tạo ấn tượng với người xem; Nội dung tuyên truyền mang tính thời sự, đáp ứng nhu cầu về phổ biến, giáo dục pháp luật đối với lĩnh vực pháp luật mà video thể hiện.

- Tính sáng tạo: Ý tưởng mới lạ, cách thức trình bày sáng tạo, hiệu ứng nổi bật, thu hút người xem; Hình thức thể hiện ấn tượng, sáng tạo nhưng gần gũi với cuộc sống; Khuyến khích việc thể hiện các thông điệp liên quan đến pháp luật một cách hài hước, thu hút người xem.

- Tính ứng dụng: Thời lượng ngắn, thể hiện đầy đủ nội dung, có thể sử dụng tuyên truyền trên nhiều kênh truyền thông (màn hình Led, mạng xã hội, phương tiện thông tin đại chúng…); Thông điệp rõ ràng, phù hợp với chủ đề cuộc thi, không gây hiểu nhầm; chỉ ra được lợi ích hành động tuân thủ pháp luật.

- Tính đại chúng: Phù hợp với nhiều đối tượng tuyên truyền.

Điểm của video được tính theo thang điểm 100; điểm của mỗi video là điểm trung bình của các Giám khảo. Sau khi có kết quả chấm điểm của Ban Giám khảo, Ban Tổ chức sẽ đăng tải các video có số điểm cao trên facebook “Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai” và youtube “Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Đồng Nai” để thực hiện bình chọn thông qua các lượt “thích”, “chia sẽ”. Số lượt bình chọn là một trong những tiêu chí để Ban Tổ chức làm căn cứ xác định thứ hạng đạt giải của các sản phẩm.

Địa chỉ nhận video dự thi: http://timhieuphapluat.dongnai.gov.vn hoặc quét mã QR theo hình dưới đây:

 

- Giải thưởng Cuộc thi gồm có 22 giải giành cho 02 nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên và đối tượng khác. Mỗi nhóm đối tượng gồm 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 05 giải khuyến khích.

- Giá trị giải thưởng

+ Giải nhất: Gồm Bằng khen và tiền thưởng trị giá 10.000.000 đồng/giải;

+ Giải nhì: Gồm Giấy khen và tiền thưởng trị giá 7.000.000 đồng/giải;

+ Giải ba: Gồm Giấy khen và tiền thưởng trị giá 5.000.000 đồng/giải;

+ Giải khuyến khích: Gồm Giấy khen và tiền thưởng trị giá 3.000.000 đồng/giải.

Ngoài mức tiền thưởng nêu trên thì Ban Tổ chức Cuộc thi hỗ trợ chi phí xây dựng cho các video đạt giải với mức 10.000.000 đồng/video.

Đây là năm đầu tiên, tỉnh Đồng Nai tổ chức cuộc thi xây dựng video tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Việc tổ chức Cuộc thi nhằm tạo nguồn dữ liệu cho việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật pháp luật bằng trực quan, sinh động./.

/Data/News/736/files/THE_LE_CUOC_THI_XD_VIDEO.pdf

Theo stp.dongnai.gov.vn

Lượt xem: 50

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     64,360