Đó là nội dung chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tại Hội nghị tổng kết hoạt động Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 được tổ chức sáng ngày 31/01/2024 tại Hội trường Tầng 1, Trụ sở Khối nhà nước tỉnh.
Tham dự và Chủ trì Hội nghị có đồng chí Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Võ Thị Xuân Đào - Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng cùng các đồng chí Phó Chủ tịch Hội đồng, các Ủy viên Hội đồng, lãnh đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố, các tập thể, cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, công chức tham mưu công chức phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã xem Phim phóng sự về kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2023 và nội dung định hướng các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng năm 2024. Các đại biểu đã thảo luận về các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở hiệu quả, các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Sau khi nghe các đại biểu tham dự Hội nghị phát biểu thảo luận, đồng chí Nguyễn Sơn Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, chỉ đạo các Ủy viên Hội đồng tập trung triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch số 301/KH-UBND ngày 29/12/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2024 và Kế hoạch hoạt động của Hội đồng; xây dựng Kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, địa phương đảm bảo các điều kiện để thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch, tránh tình trạng ban hành kế hoạch một cách hình thức. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhau thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chung đã đề ra trong Kế hoạch. Theo đó, thực hiện một số nhiệm vụ sau:
- Tổ chức triển khai thực hiện các Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật trong năm 2024; trong đó chú trọng tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân bằng cách thường xuyên nắm bắt nhu cầu để thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân một cách kịp thời, hiệu quả. Các cơ quan, đơn vị, địa phương phải xác định phổ biến, giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ thường xuyên, cần đầu tư và triển khai mạnh mẽ để thật sự phát huy tính hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và Nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân.
- Chủ động nắm bắt nhu cầu của người dân để thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, lựa chọn hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục phù hợp với các đối tượng để mang lại hiệu quả cao, hướng mạnh về cơ sở, tập trung tuyên truyền, phổ biến cho các đối tượng đặc thù. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội trong việc tuyên truyền, phổ biến để các đối tượng được tuyên truyền tiếp cận nhanh và có nhiều các thông tin pháp luật cần thiết.
- Tiếp tục nhân rộng và phát huy các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật đã thực hiện hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Chủ động xây dựng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật điển hình; mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương phải có mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả.
Đồng thời chỉ đạo Sở Tư pháp, Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phát động phát động phong trào thi đua xây dựng các mô hình PBGDPL, hòa giải ở cơ sở hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
- Các ủy viên Hội đồng là lãnh đạo các sở, ban, ngành cần phát huy hơn nữa vai trò của mình, chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực được giao quản lý với các hình thức và nội dung phù hợp, đáp ứng nhu cầu tiếp cận pháp luật của người dân. Đồng thời tăng cường phối hợp với các Ủy viên Hội đồng khác trong các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của đơn vị, địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả việc xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy vai trò xã hội của đội ngũ luật gia, luật sư đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở.
- Chú trọng công tác truyền thông về các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật để tạo sức lan tỏa; tăng cường phối hợp với Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai nhằm kịp thời truyền thông về các hoạt động. Báo Đồng Nai, Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Nai cần tăng cường các chuyên đề, chuyên mục về phổ biến, giáo dục pháp luật; lưu trữ hình ảnh, phục vụ công tác truyền thông về phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh các đơn vị, địa phương phải xác định yêu cầu của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới là đáp ứng nhu cầu của người dân, thực chất, hiệu quả; vừa thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật vừa đánh giá hiệu quả, chủ động nắm bắt nhu cầu của người dân để kịp thời có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật./.
Bài: Đồng Hoa, Ảnh: Hồng Hà - Sở Tư pháp
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai