Mỗi ngày một thông tin pháp luật

NỘI DUNG

    Quy định về bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện từ ngày 01/1/2025

     

    Hiện nay, những lao động tự do như thợ xây, tài xế xe ôm... thường không ký hợp đồng lao động và không thuộc diện bắt buộc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, nên khi xảy ra tai nạn lao động, những người không có hợp đồng lao động ngoài việc phải tự chi trả chi phí điều trị, còn phải đối mặt với tình trạng giảm hoặc không có thu nhập. Do đó, để đảm bảo những chính sách an sinh xã hội, ngày 01/11/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Khi chính sách này có hiệu lực sẽ có cơ chế đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động linh hoạt, giúp phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người lao động.
    Cụ thể, Nghị định số 143/2024/NĐ-CP quy định một số điểm đáng chú ý sau đây:
    1. Về đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
    Đối tượng áp dụng tại quy định này là người lao động từ đủ 15 tuổi trở lên làm việc không theo hợp đồng lao động, không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện (dưới đây viết tắt là người lao động).
    2. Về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
    Người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng 02 chế độ gồm: Giám định mức suy giảm khả năng lao động và trợ cấp tai nạn lao động.
    3. Về điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
    Người lao động đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện khi có đủ các điều kiện sau đây:
    - Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện;
    - Không thuộc các trường hợp nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân: Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; Sử dụng chất ma tuý, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật.
    4. Về trợ cấp tai nạn lao động
    a) Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 100% do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp một lần như sau:
    - Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng ba lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV do Chính phủ quy định (sau đây gọi tắt là tháng lương tối thiểu vùng IV), sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.
    - Ngoài mức trợ cấp theo quy định trên còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV.
    Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động quy định trên là tổng thời gian người lao động đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, tính đến tháng trước liền kề tháng bị tai nạn lao động; nếu đóng không liên tục thì được cộng dồn; một năm được tính khi có đủ 12 tháng đóng bảo hiểm vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
    b) Trường hợp giám định lại có kết quả tăng mức suy giảm khả năng lao động so với mức suy giảm khả năng lao động đã được hưởng trợ cấp, người lao động được hưởng thêm trợ cấp bổ sung một lần để bảo đảm hưởng đủ mức trợ cấp tương ứng với tỷ lệ suy giảm khả năng lao động tăng thêm theo cách tính như điểm a nêu trên.
    c) Trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động thì thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, nếu thuộc một trong các trường hợp: lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động; Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động; Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.
    d) Trợ cấp tai nạn lao động thực hiện theo nguyên tắc tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
    e) Thời điểm hưởng trợ cấp
    Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động thì thời điểm để xác định tháng lương cơ sở vùng IV làm căn cứ tính mức hưởng trợ cấp (sau đây gọi tắt là thời điểm hưởng trợ cấp) được tính vào tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú. Trường hợp bị tai nạn lao động mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện (trong giấy ra viện còn có chỉ định hẹn khám lại; tháo bột; tháo nẹp; tháo vít) thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động được tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
    Trường hợp giám định lại có kết quả tăng mức suy giảm khả năng lao động so với mức suy giảm khả năng lao động đã được hưởng trợ cấp thì thời điểm hưởng trợ cấp được tính vào tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
    Trường hợp người lao động chết do tai nạn lao động thì thời điểm hưởng trợ cấp được tính tại tháng người lao động bị chết.
    5. Phương thức đóng và mức đóng của người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
    Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đăng ký với cơ quan bảo hiểm xã hội theo một trong hai phương thức đóng 06 tháng một lần hoặc đóng 12 tháng một lần. Người đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện được thay đổi phương thức đóng. Việc thay đổi phương thức đóng được thực hiện sau khi đã hoàn thành chu kỳ đóng đã đăng ký trước đó.
    Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện bằng 6% tháng lương tối thiểu vùng IV đối với mức đóng 06 tháng  và bằng 12% tháng lương tối thiểu vùng đối với mức đóng 12 tháng.
    Thời điểm đóng bảo hiểm tai nạn lao động được thực hiện lần đầu, ngay khi đăng ký tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện và lần tiếp theo, trong vòng 10 ngày trước khi hết chu kỳ đóng.
    Nhìn chung, bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là một chính sách an sinh xã hội nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với người lao động. Việc hiểu rõ các quy định và lợi ích của bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện sẽ giúp người lao động và doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt hơn trước những rủi ro không mong muốn trong công việc.

    Phạm Phương – Hội Luật gia

    Lượt xem: 28

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     16,597