Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17/9/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/2/2023 quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức, trong đó sửa đổi nhiều nội dung quan trọng liên quan đến tuyển dụng, quản lý công chức.
Một trong những nội dung được quan tâm đó là quy định đối với vị trí việc làm không yêu cầu trình độ ngoại ngữ thì không phải thi ngoại ngữ.
Cụ thể tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 116/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 8 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP về hình thức, nội dung và thời gian thi công chức. Theo đó, thi tuyển công chức được thực hiện theo 2 vòng thi là Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính và Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành.
Vòng 1 Thi trắc nghiệm trên máy vi tính gồm 02 phần là Phần I: Kiến thức chung và Phần II: Ngoại ngữ. Đối với vị trí việc làm không yêu cầu trình độ ngoại ngữ thì không phải tổ chức thi Phần II.
Đây là một nội dung thay đổi rất quan trọng, phù hợp với tình hình thực tế giúp các cơ quan, đơn vị thuận lợi hơn trong công tác tuyển dụng công chức tại các vị trí việc làm. Thực tế trong các cơ quan hành chính nhà nước, ngoại ngữ là một rào cản trong việc thu hút nhân lực cho các cơ quan nhà nước; rất nhiều vị trí việc làm không cần thiết phải có yêu cầu về ngoại ngữ vì quá trình thực hiện nhiệm vụ không sử dụng. Tuy nhiên, thời gian qua ngoại ngữ được xác định là một trong những phần thi điều kiện trong thi tuyển công chức dẫn đến việc nhiều vị trí việc làm không tuyển dụng được hoặc không tuyển đủ chỉ tiêu đề ra vì các thí sinh dự thi không vượt qua được phần thi ngoại ngữ. Trong đó có các vị trí thực tế không cần thiết phải có trình độ ngoại ngữ như văn thư, lưu trữ, kế toán, tham mưu tổng hợp… Rất nhiều người có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với các vị trí việc làm cần tuyển dụng nhưng vì rào cản về ngoại ngữ nên họ không dám đăng ký tham gia thi tuyển công chức.
Việc bỏ phần thi ngoại ngữ đối với vị trí việc làm không yêu cầu trình độ ngoại ngữ sẽ giúp thu hút được nhiều người tham gia thi tuyển công chức, giúp các cơ quan nhà nước tuyển dụng được công chức theo các vị trí việc làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực công, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước.
Nghị định số 116/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 17/9/2024 vì vậy quy định trên cũng bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17/9/2024./.
Đồng Hoa - Sở Tư pháp
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai