Mỗi ngày một thông tin pháp luật

NỘI DUNG

    Xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe

     

    Ngày 26/12/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 168/2024/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe. Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025 (Nghị định này thay thế Nghị định số 100/2019/NĐ-CP và Nghị định số 123/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, sau đây viết tắt là Nghị định 168/2024). Nghị định 168/2024 đã đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong việc tăng cường trật tự an toàn giao thông.

    Nội dung cần chú ý với việc tăng mạnh mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm. Đặc biệt, các hành vi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Điển hình như:

    - Vượt đèn đỏ: Mức phạt mới lên đến 20 triệu đồng đối với ô tô, 6 triệu đồng đối với xe mô tô, tăng gấp nhiều lần so với quy định cũ.

    - Lùi xe trên cao tốc: Hành vi nguy hiểm này có thể bị phạt đến 40 triệu đồng.

    - Dừng, đỗ xe sai quy định trên cao tốc: Mức phạt mới lên đến 14 triệu đồng.

    - Mở cửa xe, để cửa xe ô tô mở không đảm bảo an toàn gây tai nạn giao thông sẽ tăng mức xử phạt lên đến 20-22 triệu đồng tại Nghị định 168/2024 thay vì mức 400-600 nghìn đồng tại Nghị định 100/2019 như trước đây.

    - Tăng mức phạt tiền với nhiều hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, trong đó có nồng độ cồn.

    Vi phạm nồng độ cồn được chia thành 3 mức. Mức thấp nhất là chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc 0,25 mg/lít khí thở. Mức thứ hai là vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở. Mức cao nhất là vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở.

    Theo quy định tại Nghị định 100/2019 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 123/2021): Đối với ô tô, tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất sẽ bị xử phạt 6 - 8 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe (GPLX) 10 - 12 tháng, vi phạm mức thứ hai sẽ bị phạt 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 16 - 18 tháng, vi phạm mức cao nhất sẽ bị phạt 30 - 40 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng.

    Đối với xe mô tô, tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất sẽ bị xử phạt 2 - 3 triệu đồng và tước GPLX 10 - 12 tháng, vi phạm mức thứ hai sẽ bị phạt 4 - 5 triệu đồng và tước GPLX 16 - 18 tháng, vi phạm mức cao nhất sẽ bị phạt 6 - 8 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng.

    Còn theo Nghị định 168/2024, mức phạt về vi phạm nồng độ cồn được nâng lên: Đối với ô tô, tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất sẽ bị xử phạt 6 - 8 triệu đồng (giữ nguyên), vi phạm mức thứ hai sẽ bị phạt 18 - 20 triệu đồng (tăng 2 triệu đồng), vi phạm mức cao nhất sẽ bị phạt 30 - 40 triệu đồng (giữ nguyên).

    Đối với xe mô tô, tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất sẽ bị xử phạt 2 - 3 triệu đồng (giữ nguyên), vi phạm mức thứ hai sẽ bị phạt 6 - 8 triệu đồng (tăng 2 - 3 triệu đồng), vi phạm mức cao nhất sẽ bị phạt 8 - 10 triệu đồng (tăng 2 triệu đồng).

    Ngoài ra, Nghị định 168/2024 cũng điều chỉnh mức phạt đối với các hành vi vi phạm thường xuyên xảy ra do thiếu ý thức như: Vận chuyển hàng hóa không đúng quy định, không nhường đường cho người đi bộ, sử dụng điện thoại khi lái xe v.v ... Nghị định 168/2024 được xây dựng trong bối cảnh ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình trạng vi phạm diễn ra phổ biến. Việc tăng nặng mức xử phạt nhằm mục đích:

    - Răn đe hiệu quả: Mức phạt cao góp phần nâng cao tính răn đe, buộc người tham gia giao thông phải nghiêm túc tuân thủ luật lệ.

    - Giảm thiểu tai nạn giao thông: Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là biện pháp quan trọng để phòng ngừa và hạn chế tai nạn giao thông, bảo vệ tính mạng người dân.

    - Xây dựng văn hóa giao thông: Nghị định 168/2024 góp phần hình thành thói quen, ý thức tham gia giao thông văn minh, an toàn.

    * Trừ điểm Giấy phép lái xe (GPLX)

    Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định mỗi GPLX có 12 điểm. Số điểm sẽ bị trừ mỗi khi người có GPLX vi phạm giao thông, tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi.

    Có 189 hành vi sẽ bị trừ điểm GPLX, mức trừ từ 2 - 12 điểm. Trong số này, 28 hành vi bị trừ 12 điểm (tức là chỉ cần vi phạm một lần là bị trừ hết điểm), đây đều là lỗi có tính cố ý, nguy hiểm, nguy cơ cao gây tai nạn giao thông.

    Riêng với nồng độ cồn, mức trừ điểm đối với mức thấp nhất là 6 điểm, mức thứ hai là 10 điểm, mức cao nhất là 12 điểm. Các mức trừ điểm này được áp dụng chung cho cả người điều khiển xe mô tô và ô tô.

    Như vậy, tuy việc tăng mức phạt tiền đối với một số mức vi phạm nồng độ khiến chế tài nặng hơn nhưng đổi lại quy định về trừ điểm GPLX được đánh giá là nhân văn hơn. Theo quy định tại Nghị định 100/2019,  chỉ cần vi phạm nồng độ cồn, tài xế sẽ bị tước GPLX từ 10 - 24 tháng, tùy mức vi phạm. Còn theo Nghị định 168/2024, tài xế vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất và mức thứ hai vẫn tiếp tục được điều khiển phương tiện sau khi vi phạm vì GPLX còn điểm, chỉ khi vi phạm ở mức cao nhất, tài xế mới bị trừ hết điểm đồng thời bị tước GPLX.

    Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cũng quy định người có GPLX bị trừ hết điểm sẽ không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. GPLX sẽ được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất. Sau ít nhất là 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, kết quả đạt thì được phục hồi điểm GPLX.

    Nghị định 168/2024 là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để nghị định thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Mỗi người dân cần nâng cao ý thức trách nhiệm, tự giác chấp hành luật lệ giao thông, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh cho đất nước./.

              Phạm Trung Tín – Phòng Tư pháp Định Quán

    Lượt xem: 23

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     20,127