Hoạt động của các thành viên Hội đồng, các cơ quan, ban, ngành, đoàn t

Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh tổ chức lấy ý kiến góp ý dự thảo luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

Ngày 27/04/2022 - 17:12:07

 

Sáng ngày 26/4/2022, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với gần 100 đại biểu tham dự. Chủ trì hội nghị có các đồng chí Lê Thị Thái, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; đồng chí Bùi Thị Hạnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Như Ý - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đồng chí Lưu Thị Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, đồng chí Lê Thị Thái, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh khẳng định, sau gần 15 năm thực hiện Luật phòng, chống bạo lực gia đình, các cấp Hội LHPN đã có nhiều nỗ lực trong tham mưu, chỉ đạo, thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ Hội, hội viên phụ nữ và cộng đồng về giá trị của gia đình, từ đó tạo chuyển biến về nhận thức, hành động phòng chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, trước thực trạng bạo lực gia đình có xu hướng ngày càng trầm trọng, phức tạp và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành, các quy định, chính sách trong Luật Phòng, chống bạo lực gia đình còn tồn tại nhiều bất cập. Do vậy, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là thực sự cần thiết.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp phát biểu góp ý dự thảo Luật

Nhằm thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình và hạn chế vấn nạn bạo lực gia đình trong thời gian tới dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Đây là Dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, có liên quan trực tiếp đến toàn thể cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân có liên quan, bao gồm cả công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Hội LHPN tỉnh mong muốn thông qua việc góp ý, thu thập được nhiều thông tin và ý kiến từ đại diện các Sở, ngành chức năng, địa phương và các cấp Hội để góp ý đối với dự thảo Luật, đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung hợp lý, đảm bảo căn cứ pháp luật và căn cứ thực tiễn, tập trung vào những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em, vấn đề lồng ghép giới.

Tại buổi tọa đàm, đại diện các sở, ngành, địa phương và Hội LHPN các huyện đã trình bày báo cáo tham luận góp ý Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Các đại biểu tham dự Tọa đàm tích cực tham gia nhiều ý kiến góp ý có chất lượng tại hội nghị đối với những quy định trong dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có liên quan đến trách nhiệm của cơ quan, tổ chức; đề nghị xem xét, bổ sung thêm các hành vi bạo lực gia đình ở khoản 1, Điều 4 và ở khoản 2, Điều 4 cần quy định hành vi bạo bạo lực gia đình quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng với người có đăng ký kết hôn; làm rõ quy định hình thức, cách thức bồi thường thiệt hại ở khoản 4 Điều 12 về trách nhiệm của người có hành vi bạo lực gia đình, nhằm tránh trường hợp người có hành vi bạo lực gia đình dùng ngân sách chung của gia đình để bồi thường thiệt hại cho người bị bạo hành; xem xét lại quy định  ở Khoản 4 Điều 56 về trách nhiệm của UBND các cấp trong việc ban hành chính sách, pháp luật đảm bảo thực hiện quyền của tổ chức, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình, vì thẩm quyền quyết định chính sách theo quy định tại Luật Ngân sách năm 2015 thuộc thẩm quyền của Hội dồng nhân dân tỉnh và quy định cụ thể số lần đối thoại ở khoản 8 Điều 56. Hội LHPN các huyện có ý kiến góp ý đối với quy định ở khoản 6, Điều 59 quy định “Hội LHPN Việt Nam thực hiện tổng hợp, báo cáo, thống kê về phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực gia đình”. Vì hiện nay công tác cập nhật, tổng hợp, theo dõi các vụ việc bạo lực gia đình do cơ quan quản lý nhà nước về công tác gia đình ở địa phương là ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện, do đó đề nghị không đưa khoản 6 (Điều 59) vào Dự thảo. Một số ý kiến góp ý về kỹ thuật lập pháp đề nghị xem lại khoản mục ở khoản 2, Điều 30 và kết cấu Điều 34 của dự thảo chỉ có 5 khoản, nhưng khoản 4, Điều 34 lại nêu 6 khoản… Ngoài ra, có một số ý kiến đề nghị bổ sung một số nội dung, như: giải thích thuật ngữ thành viên gia đình, thành viên khác trong gia đình; xem xét, quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý bạo lực gia đình; nghiên cứu, bổ sung thêm hình thức xử phạt lao động công ích đối với người gây ra bạo lực gia đình; bổ sung hình thức cấm tiếp xúc đưa người gây bạo lực ra khỏi nhà khi xảy ra bạo lực gia đình, nhằm cách ly người gây bạo lực khỏi người bị bạo lực; bổ sung thêm trách  nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình.

Đồng chí Lê Thị Thái - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh phát biểu kết luận Tọa đàm

Kết luận Tọa đàm, Chủ trì Hội nghị nhấn mạnh Dự thảo Luật PCBLGĐ (sửa đổi) có sự điều chỉnh, bổ sung khá chi tiết, đầy đủ, nhiều điểm mới sát với tình hình thực tế hiện nay. Tuy nhiên cũng còn những vấn đề dự thảo Luật cần xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Tham gia hội nghị, các đại biểu đã tích cực phát biểu đóng góp ý kiến đối với dự thảo luật, thể hiện trách nhiệm nghiên cứu, nhiều ý kiến tham gia có chất lượng, phân tích, làm rõ những vấn đề còn hạn chế, bất cập của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành. Bên cạnh những ý kiến góp ý thống nhất với dự thảo Luật, có một số ý kiến góp ý sâu đối với các nội dung cụ thể trong từng Điều Luật. Ý kiến góp ý của các đại biểu, Hội LHPN tỉnh sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh báo cáo đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gửi về Trung ương Hội LHPN Việt Nam, để tham gia ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội sắp tới./.

Quế Phương - Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh

Lượt xem: 207

© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

  Lượt truy cập:     35,421