Tiếp cận pháp luật

NỘI DUNG

    Những điểm mới của Luật Giá năm 2023

    Luật Giá 2023 được Quốc hội thông qua vào ngày 19/6/2023 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 (Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2026).

    Luật Giá 2023 đã mang đến nhiều thay đổi đáng kể so với phiên bản trước đó, nhằm hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về quản lý giá. Luật Giá 2023 kế thừa, phát huy những quy định còn phù hợp với thực tiễn của Luật Giá 2012, đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

    Quang cảnh hội nghị triển khai Luật giá năm 2023


    Luật Giá năm 2023 bao gồm 8 chương, 75 Điều, so với Luật Giá 2012 có một số điểm mới nổi bật như sau:

    ​Thứ nhất là bổ sung nguyên tắc áp dụng: Luật Giá 2023 đã bổ sung tại Điều 3 về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các Luật khác có liên quan. Trong đó, về cơ bản Luật Giá sẽ điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá. Chỉ trừ một số trường hợp rất đặc thù đã có luật riêng điều chỉnh toàn diện thì mới thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành.

    Thứ hai là bổ sung thêm tiêu chí danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá: So với Luật Giá 2012, Luật Giá 2023 đã bổ sung tiêu chí hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, đời sống người dân, sản xuất kinh doanh vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá để phù hợp với thực tiễn hiện nay, một số mặt hàng hiện đã được bổ sung tại các Luật chuyên ngành và sẽ được cập nhập tại Luật Giá.

    Thứ ba là ban hành kèm theo Danh mục hàng hóa, dịch vụ: Luật đã ban hành kèm theo Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Điều này giúp việc quản lý giá trở nên cụ thể và rõ ràng hơn.

    Thứ tư là quy định về hiệp thương giá: Luật đã quy định rõ phạm vi hiệp thương giá chỉ thực hiện giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp với vai trò trọng tài của Nhà nước. Việc quy định như trên thể hiện rõ tính chất của biện pháp hiệp thương giá hướng đến đề cao việc thỏa thuận giữa các bên trong đó có vai trò trung gian của cơ quan tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu hài hòa lợi ích, đảm bảo giao dịch được diễn ra minh bạch, phù hợp với quy luật kinh tế thị trường. Mặt khác, cũng quy định rõ phạm vi áp dụng giá hiệp thương nhằm tránh các trường hợp lợi dụng mức giá hiệp thương để sử dụng cho các mục đích khác, không đúng với yêu cầu hiệp thương và vụ việc mua bán.

    Thứ năm là quy định cụ thể về kê khai giá, niêm yết giá: Căn cứ theo quy định tại Điều 28 Luật Giá 2023 có quy định cụ thể về kê khai giá là mức giá hàng hóa, dịch vụ do tổ chức kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tự quyết định và được thông báo đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận kê khai. Đồng thời cũng quy định cụ thể về các hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá. Bên cạnh đó tại Điều 29 Luật Giá 2023 cũng đã quy định cụ thể về việc niêm yết giá

    Thứ sáu là quy định về chứng thư thẩm định giá: Luật đã quy định rõ hơn về chứng thư thẩm định giá, bao gồm cả các yêu cầu về nội dung, hình thức và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thực hiện thẩm định giá.

    Thứ bảy là quy định về tham chiếu giá: Luật đã đưa ra quy định cụ thể về việc tham chiếu giá, nhằm đảm bảo tính minh bạch và khách quan trong việc hình thành giá.

    Thứ tám là quy định về doanh nghiệp thẩm định giá: Luật đã quy định rõ hơn về điều kiện hoạt động, trách nhiệm của doanh nghiệp thẩm định giá, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ thẩm định giá.

    Ngô Thụy Thảo Nguyên

    Sở Tài chính

     

    Lượt xem: 5

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,090