Truyền thông dự thảo chính sách

NỘI DUNG

    Quy định về giải quyết tranh chấp đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

     

    Thực hiện các Kế hoạch của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, Hội đồng nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-STP ngày 14/02/2023 về việc tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của Ngành Tư pháp tỉnh Đồng Nai để tổ chức triển khai và lấy ý kiến đối với công chức, viên chức, người lao động thuộc các Phòng chuyên môn và tương đương; đơn vị sự nghiệp thuộc Sở; Phòng Tư pháp các huyện, thành phố và công chức tư pháp – hộ tịch các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

    Việc tổ chức lấy ý kiến đã huy động được trí tuệ tập thể, tâm huyết của công chức, viên chức, người lao động của Ngành Tư pháp tỉnh nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảo đảm chất lượng, khoa học, khả thi, đồng bộ, hiệu quả; phản ánh ý chí, nguyện vọng, vì lợi ích Nhân dân và tạo không gian, nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.

    Kết thúc đợt lấy ý kiến, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và tổng hợp đầy đủ các ý kiến góp ý của công chức, viên chức, người lao động của ngành tư pháp tỉnh; những ý kiến trên đã góp ý vào từng điều khoản cụ thể của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và tập trung vào một số vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật, gồm: (1) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; (2) Thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; (3) Quỹ phát triển đất; (4) Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; (5) Đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; (6) Cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; (7) Chế độ quản lý, sử dung các loại đất; (8) Phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; (9) Hộ gia đình sử dụng đất và các vấn đề khác mà đại biểu quan tâm.

    Đại biểu góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Hội nghị do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức

    Trong đó, có nhiều ý kiến góp ý có liên quan đến công tác quản lý của ngành tư pháp đó là nội dung quy định về Hòa giải tranh chấp đất đai (Điều 224) và Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 225) của dự thảo Luật.

    1. Hòa giải tranh chấp đất đai (Điều 224), tại khoản 1 dự thảo xác định: “Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở hoặc hòa giải tại Tòa án”. Tuy nhiên, tại khoản 2 lại xác định hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã (kế thừa các quy định của Luật Đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013), nội dung này chưa thống nhất với quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hòa giải ở cơ sở.

    Ngoài ra, tại điểm c khoản 2 dự thảo mới chỉ quy định “Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã…”, mà chưa quy định rõ giá trị pháp lý của biên bản hòa giải thành, dễ dẫn đến tình trạng hòa giải mang tính hình thức; trường hợp sau khi có biên bản hòa giải thành, một trong các bên tranh chấp không thực hiện hiện đúng theo nội dung biên bản hòa giải thì xử lý như thế nào, thiết nghĩ cần có quy định cụ thể về nội dung này.

    2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai (Điều 225), đa số các ý kiến thống nhất với dự thảo theo hướng chuyển toàn bộ sang cho Tòa án nhân dân giải quyết; Ủy ban nhân dân các cấp không giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án nhân dân giải quyết. Tuy nhiên, trong thực tiễn, có nhiều vụ án tranh chấp đất đai kéo dài, Tòa án phải ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vì cơ quan chức năng không cung cấp, chậm hoặc cung cấp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc không có văn bản trả lời, phản hồi cho Tòa án. Do đó, cần quy định cụ thể trong trường hợp không cung cấp được tài liệu, chứng cứ thì phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án biết, trong đó, ghi rõ lý do của việc không cung cấp được tài liệu, chứng cứ. Nếu quá thời hạn mà không được cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc văn bản trả lời thì Tòa án đề nghị cơ quan cấp trên trực tiếp chỉ đạo việc cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc trả lời bằng văn bản của Tòa án.

    Bên cạnh đó, cũng có một số ý kiến đề nghị nên giữ theo quy định hiện hành, tùy theo trường hợp có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ chứng minh về quyền sử dụng đất để các bên tranh chấp có quyền lựa chọn cơ quan giải quyết, việc quy định tất cả các vụ việc tranh chấp đất đai, tranh chấp đất đai và tài sản gắn liền với đất đều do Tòa án giải quyết trong khi cơ quan cung cấp hồ sơ, tài liệu là UBND các cấp thì có kéo dài thời gian xử lý vụ việc hay không nếu sự vụ tranh chấp không phức tạp và bản chất của tranh chấp là khác nhau nên chủ thể có thẩm quyền giải quyết, trình tự, thủ tục giải quyết là khác nhau nếu toàn bộ các tranh chấp đều hướng các bên khởi kiện ra Tòa án  thì cần có quy định cụ thể hơn.

    Ngoài ra, khi chuyển toàn bộ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai sang cho Tòa án nhân dân giải quyết thì cũng cần phải cân nhắc, giải quyết “bài toán” về biên chế, để tránh áp lực cho Ngành Tòa án khi thực hiện nhiệm vụ này./.

    Theo Bản tin tư pháp số 01/2023

    Lượt xem: 19

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,120