Hòa giải ở cơ sở

NỘI DUNG

    Mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả trên địa bàn huyện Tân Phú

     

    Huyện Tân Phú là huyện miền núi, là một trong những địa phương có nhiều thành phần dân tộc sinh sống và chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng trong thể thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên cũng chính từ đó dễ dẫn đến phát sinh những mâu thuẫn, tranh chấp trong đời sống sinh hoạt hằng ngày. Để góp phần hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn nhỏ phát sinh từ đó giữ vững an ninh trật tự xã hội tại địa phương và nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân. Huyện Tân Phú đã xây dựng mô hình “Tổ hòa giải điểm” ở cơ sở trên địa bàn huyện.

    Trên địa bàn huyện có 94 tổ hòa giải với 517 hòa giải viên ơ cơ sở. Trong năm 2022, các Tổ hòa giải trên địa bàn huyện đã tiếp nhận 89 vụ việc yêu cầu hòa giải, bằng kinh nghiệm, kiến thức pháp luật, sự nhiệt tình và tận tâm đối với công việc, các hòa giải viên đã thực hiện hòa giải thành 86/89 vụ việc, đạt tỷ lệ 96,6%. Trong đó mô hình Tổ hòa giải điểm kết hợp “dân vận khéo” là mô hình tiêu biểu giúp công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn huyện đạt kết quả cao.

    Hòa giải viên xã Phú Sơn, huyện Tân Phú tham dự Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng hòa giải do Sở Tư pháp tổ chức

     

    Trong đó Tổ hòa giải điểm tại ấp 1, xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú là một điển hình với việc hòa giải thành 10/10 vụ việc trong năm 2022. Tại các Tổ hòa giải điểm, đội ngũ hòa giải viên cơ sở trong quá trình làm nhiệm vụ cũng đồng thời họ đóng vai trò là cầu nối tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư một cách thấu tình, đạt lý. Đồng thời trong quá trình làm công tác hòa giải, các hòa giải viên luôn công tâm, trung thực, đặt mình vào vị trí của các bên để hòa giải sao cho hợp tình, hợp lý nhất...nhờ đó, tỷ lệ hòa giải thành công trên địa bàn huyện đạt cao.

    Trong Tổ hòa giải điểm, cơ cấu, tổ chức Tổ hòa giải gồm những người có uy tín, cán bộ hưu trí tại cơ sở; có kiến thức pháp luật, có kỹ năng, kinh nghiệm trong thuyết phục, vận động; có trách nhiệm, nhiệt tình, gần gũi với địa bàn; thường xuyên được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền…

    Về cách thức tổ chức hòa giải, tùy theo từng vụ việc, Tổ hòa giải có cách hòa giải riêng; xây dựng kế hoạch, phân công cho từng hòa giải viên có kinh nghiệm, kiến thức pháp luật phù hợp để thực hiện hòa giải; nghiên cứu, tìm hiểu nguyên nhân, lý do xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn; phối hợp với ban ngành của xã để xác minh, thu thập thông tin có liên quan và nắm chắc hơn các quy định của pháp luật hiện hành. Hòa giải viên luôn đặt mình là người trong vụ việc để khách quan, công tâm và hiểu rõ vấn đề, nắm bắt tâm tư, tình cảm, vướng mắc cũng như nguyện vọng của các bên để đưa ra cách giải quyết thỏa đáng nhất. Trước khi tổ chức hòa giải, hòa giải viên gặp gỡ riêng từng bên, gặp chung các bên qua đó phân tích vụ việc, giải thích đúng, sai của từng bên đồng thời thông tin về các quy định pháp luật liên quan đến vụ việc để các bên hiểu rõ.

     

    Tổ hòa giải họp, trao đổi cách thức trước khi tiến hành hòa giải

     

    Về địa điểm tổ chức hòa giải, để đạt được hiệu quả hòa giải, hòa giải viên thường chọn nhà hoặc nơi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn (tạo tâm lý cảm giác gần gũi, thoải mái, dễ chịu cho các bên) tránh chọn những nơi là trụ sở Nhà Văn hóa, Nhà sinh hoạt cộng đồng…

    Tại buổi hòa giải, hòa giải viên dành nhiều thời gian, tạo cơ hội cho các bên thể hiện ý kiến của minh, tự thỏa thuận nội dung tranh chấp, mâu thuẫn…Tổ hòa giải chỉ phân tích đúng, sai, nêu quy định của pháp luật và vận động, thuyết phục các bên thỏa thuận. Các hòa giải viên, Tổ hòa giải cần có kỹ năng trong vận dụng linh hoạt, kết hợp chặt chẽ giữa lý và tình để giải quyết sự việc thấu tình, đạt lý.

    Ưu điểm nổi bật của mô hình “Tổ hòa giải điểm” là linh hoạt về thủ tục; gần gũi, thân mật trong giao tiếp, ứng xử; thành phần Tổ hòa giải gồm những người có kiến thức, hiểu biết pháp luật, có uy tín, trách nhiệm, nhiệt tình trong cộng đồng dân cư (bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận, trưởng các ngành, đoàn thể, thanh tra nhân dân hiện đang công tác hoặc đã nghỉ hưu…); có kỹ năng trong vận động, thuyết phục.

    Trên cơ sở hoạt động có hiệu quả của mô hình tổ hòa giải điểm của xã Nam Cát Tiên như nêu ở trên, UBND huyện Tân Phú đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện các giải pháp nhân, thành lập mô hình “Tổ hòa giải điểm” trên địa bàn huyện góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hòa giải cơ sở trên toàn địa bàn./.

     

    Lượt xem: 1051

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     2,068