Luật Hoà giải ở cơ sở ra đời đã tạo khung pháp lý quan trọng cho việc tổ chức và hoạt động của tổ hoà giải và tác động tích cực đến đời sống xã hội, tạo cơ sở pháp lý toàn diện, đầy đủ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, qua 10 năm tổ chức thi hành Luật cũng tồn tại một số khó khăn liên quan đến các quy định của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể như quy định liên quan đến việc bầu hòa giải viên, xác định phạm vi hòa giải ở cơ sở; một số nội dung chưa được quy định trong Luật như thời hạn hòa giải, số lần tối đa thực hiện hòa giải.
Trên cơ sở thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cần sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật và văn bản hướng dẫn thi hành như sau:
1. Sửa đổi quy định về bầu, công nhận hòa giải viên tại Điều 8 Luật Hòa giải ở cơ sở, theo đó, người có đủ tiêu chuẩn theo quy định, Ban công tác Mặt trận phối hợp với các tổ chức thành viên của Mặt trận giới thiệu vào danh sách đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã công nhận hòa giải viên ở cơ sở, không thực hiện việc bầu hòa giải viên và lấy kiến của đại diện các hộ gia đình như quy định hiện hành.
2. Sửa đổi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP, ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở theo hướng xác định các tranh chấp về quyền sử dụng đất không thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở. Thực tế hoạt động hòa giải ở cơ sở thời gian qua cho thấy tranh chấp đất đai diễn ra rất phổ biến ở các địa phương, hơn nữa đất đai là loại tài sản có giá trị cao, việc giải quyết đòi hỏi phải là người có thẩm quyền, có kiến thức pháp luật và am hiểu về hiện trạng đất, tình hình quản lý đất đai ở địa phương vì vậy hòa giải viên thường hòa giải không thành đối với các tranh chấp về quyền sử dụng đất.
3. Bổ sung quy định trong Luật Hòa giải ở cơ sở về thời hạn tiến hành hòa giải từ lúc tiếp nhận vụ việc, giới hạn số lần hòa giải tối đa đối cới các vụ việc. Theo đó quy định trường hợp các vụ việc đã tiến hành hòa giải bao nhiêu lần mà chưa hòa giải thành thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết (không tiếp tục hòa giải) để tránh việc các vụ việc hòa giải kéo dài, ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
4. Bổ sung quy định trách nhiệm hỗ trợ của cán bộ, công chức và các cơ quan khi hòa giải viên muốn tìm hiểu thông tin liên quan để giải quyết vụ việc; hỗ trợ cho hòa giải viên khi thực hiện nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở.
5. Ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở theo hướng tăng mức chi đối thù lao cho hòa giải viên; chi hỗ trợ hoạt động của tổ hòa giải (chi mua văn phòng phẩm, sao chụp tài liệu, nước uống phục vụ các cuộc họp của tổ hòa giải) cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, điều kiện hiện nay./.
Đồng Hoa - Sở Tư pháp
© 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai