Hòa giải ở cơ sở

NỘI DUNG

    Luật Hòa giải ở cơ sở góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, góp phần nâng cao hiệu quả công tác dân vận

    Qua 10 năm thi hành, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện, vững chắc cho hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất, hiệu quả và tiếp tục khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013 cho thấy, ở những địa phương làm tốt công tác hòa giải cơ sở thì tình hình an ninh, trật tự được giữ vững, hàng năm số vụ vi phạm pháp luật hình sự thấp hơn. Thông qua công tác hòa giải ở cơ sở, những tranh chấp, bất đồng phát sinh tại cơ sở đã được giải quyết kịp thời, dứt điểm; không để tranh chấp kéo dài, khó xử lý, hạn chế đáng kể tình trạng khiếu kiện ra cơ quan nhà nước, khiếu kiện vượt cấp; góp phần xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững. Khi tiến hành hòa giải, hòa giải viên đã thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, hạn chế vi phạm pháp luật ngay tại cơ sở, qua đó, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của công tác hòa giải ở cơ sở trong giữ gìn, vun đắp tình làng, nghĩa xóm, xây dựng cơ sở, khu dân cư ngày càng ấm no, yên bình, hạnh phúc.

    Hòa giải ở cơ sở là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: Dân giàu, Nước mạnh, Dân chủ, Văn minh.

    Việc tổ chức thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã giúp nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các hòa giải viên nên đa số các tổ hòa giải đều hoạt động có hiệu quả. Các địa phương cũng đã chú trọng xây dựng các mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả phù hợp với đặc điểm của địa phương như các tổ hòa giải điểm, tổ hòa giải điển hình tiên tiến, câu lạc bộ hòa giải, tổ hòa giải kiểu mẫu, tổ hòa giải 05 tốt…; nhiều tổ hòa giải đạt tỷ lệ hòa giải thành 100%.

    Nhận thức xã hội về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải ở cơ sở được nâng lên, người dân biết đến hòa giải ở cơ sở là một biện pháp giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp mà vẫn giữ được tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình, từ đó tin tưởng và lựa chọn sử dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải ở cơ sở trên phạm vi cả nước đã tiếp nhận trên 130.000 vụ, việc và hòa giải thành trên 100.000 vụ, việc. Số lượng các vụ, việc không phải đưa ra giải quyết tại cơ quan nhà nước đã tiết kiệm được thời gian, công sức, tiền của cho Nhân dân, giảm tải công việc cho các cơ quan tư pháp và giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

    Hàng năm, đội ngũ công chức quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở từ trung ương đến địa phương được duy trì, đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được rà soát, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đã tạo điều kiện cho hoạt động quản lý nhà nước về hòa giải đi vào nề nếp và đạt hiệu quả. Từng bước huy động đội ngũ luật sư, luật gia, những người có hiểu biết pháp luật tham gia, hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở. Mạng lưới tổ hòa giải và hòa giải viên ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn, bảo đảm đúng theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở, thu hút được nhiều thành phần, lực lượng tham gia. Hòa giải viên được tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng, chất lượng hòa giải ngày đạt hiệu quả cao. Những tấm gương điển hình xuất sắc, tập thể, cá nhân hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng nhiều, góp phần đề cao giá trị nhân văn, ý nghĩa cao đẹp của công tác hòa giải ở cơ sở.

    Nhiều địa phương đã quan tâm, bố trí nguồn kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động hòa giải ở cơ sở nên đã khích lệ, động viên các hòa giải viên thực hiện hòa giải, phát huy tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng.

    Bên cạnh những kết quả tích cực như trên thì vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ hòa giải thành ở một số địa phương chưa cao; đa số các vụ việc hòa giải thành là các mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ.Số lượng vụ, việc hòa giải thành ở cơ sở đề nghị Tòa án ra quyết định công nhận còn thấp. Chất lượng hòa giải viên ở các địa phương chưa đồng đều, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều hoà giải viên còn hạn chế về kiến thức pháp luật, kỹ năng hoà giải, chủ yếu hòa giải bằng kinh nghiệm của bản thân, vẫn còn hòa giải viên có tâm lý ngại va chạm, chưa mạnh dạn trong việc phân tích, thuyết phục các bên.

    - Nhiều tổ hòa giải chưa ghi chép Sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định gây ảnh hưởng đến việc theo dõi, thống kê, quản lý nhà nước trong công tác hòa giải ở cơ sở.

    - Công tác quản lý nhà nước về hòa giải chưa thực hiện bài bản (đặc biệt ở cấp xã); hoạt động thống kê, tổng kết, thi đua, khen thưởng chưa được chú trọng. Một số địa phương thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác hòa giải ở cơ sở, việc hòa giải còn mang tính hình thức.

    - Việc huy động nguồn lực xã hội, thu hút người có kiến thức pháp luật, có uy tín tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở chưa được chú trọng triển khai.

    - Việc đảm bảo nguồn lực, kinh phí theo mức quy định của pháp luật cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa được triển khai đồng đều giữa các địa phương; có nơi chưa bố trí kinh phí cho công tác này. Thủ tục thanh toán kinh phí hỗ trợ tổ hòa giải, thù lao cho hòa giải viên tại một số địa phương còn phức tạp, chưa đúng quy định.

    Trên cơ sở những kết quả đạt được, trong thời gian tới các địa phương cần tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục các hạn chế, xây dựng các mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả, năng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở./.

    Đồng Hoa - Sở Tư pháp

    Lượt xem: 75

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,879