Hòa giải ở cơ sở

NỘI DUNG

    Kết quả 10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh

     

    Sau 10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã đặt được những kết quả tích cực, hoạt động hòa giải ở cơ sở đi vào nề nếp, thống nhất và hiệu quả, qua đó khẳng định vị trí và vai trò quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương từ cấp tỉnh đến cấp xã đã có sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn từ công tác xây dựng, củng cố đội ngũ hoà giải viên (100% khu phố, ấp trên địa bàn tỉnh đều có tổ hoà giải) đến bố trí kinh phí, tổ chức tập huấn kiến thức pháp luật, nghiệp vụ, cung cấp tài liệu cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

    Tính đến ngày 30/6/2023, trên địa bàn tỉnh có 936 tổ hòa giải, với 5.482 hòa giải viên. Đa phần các tổ hòa giải đều bảo đảm đúng, đủ thành phần, cơ cấu theo quy định. Tiêu chuẩn, số lượng hòa giải viên và thành phần của tổ hòa giải bảo đảm đúng theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở, tập hợp được lực lượng nòng cốt, có uy tín, kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư, bảo đảm hoạt động hòa giải đạt hiệu quả; đồng thời, bảo đảm được sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức, đoàn thể của Nhân dân trong công tác hòa giải ở cơ sở. Các hòa giải viên sau khi được bầu, công nhận đã có ý thức tích cực nghiên cứu, tìm hiểu quy định pháp luật, kỹ năng hòa giải để thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng tốt hơn, tỷ lệ hòa giải thành cao hơn.

    Hòa giải viên của xã Giang Điền, huyện Trảng Bom tham dự Hội nghị trực tuyến tập huấn kỹ năng hòa giải do Sở Tư pháp tổ chức

    Thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”; Đồng Nai đã xây dựng và kiện toàn đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh với 06 người, tập huấn viên cấp huyện với 75 người đáp ứng yêu cầu tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

    Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể về vai trò, vị trí của công tác hòa giải ở cơ sở đã được nâng lên, đặc biệt là sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan tư pháp địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự nhiệt tình, trách nhiệm của các hòa giải viên nên đa số các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đều hoạt động có hiệu quả. Các địa phương cũng đã chú trọng xây dựng các mô hình hòa giải ở cơ sở hiệu quả phù hợp với đối tượng hòa giải như các tổ hòa giải điểm, tổ hòa giải là người có uy tín, tổ hòa giải kiểu mẫu, tổ hòa giải 05 tốt…; nhiều tổ hòa giải đạt tỷ lệ hòa giải thành 100%.

    Tính từ ngày 01/01/2014 đến ngày 30/6/2023, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận 21.971 vụ việc, hòa giải thành 17.978 vụ việc, đạt 81,82%, hòa giải không thành 3.983 vụ việc.

    Huyện Xuân Lộc tổ chức Hội thi hòa giải viên giởi năm 2023

    Thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, chất lượng, năng lực của đội ngũ hòa giải viên trên địa bàn tỉnh đã có những cải thiện đáng kể. Qua đó giúp giải quyết kịp thời, hiệu quả các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở; góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới; nhận thức pháp luật của Nhân dân trên địa bàn có sự chuyển biến; số vụ tranh chấp mâu thuẫn, vi phạm phạm luật trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt, cụ thể năm 2014, các tổ hòa giải tiếp nhận 3016 vụ việc, đến năm 2022 chỉ còn 1.497 vụ việc. Các vụ việc sau khi đã hòa giải thành, các bên đã thực hiện đầy đủ các thỏa thuận hòa giải thành theo đúng quy định, không phát sinh trường hợp không thực hiện thỏa thuận hòa giải thành./.

    Đồng Hoa - Sở Tư pháp

     

    Lượt xem: 58

    © 2020 - Sở Tư Pháp Tỉnh Đồng Nai

      Lượt truy cập:     1,028